Đặc điểm tình hình xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh

25/12/2020 | 12:26

1.Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên:

          Tiến Thịnh là một xã thuần nông nằm ở phía Tây của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, cách trung tâm huyện 10km, cách Thủ đô Hà Nội 32km.

Xã có vị trí: phía Đông giáp xã Chu Phan, phía Tây giáp xã Trung Kiên và Trung Hà của huyện Yên Lạc; phía Tây và Tây Nam giáp huyện Đan Phượng, phía Bắc và Phía Đông Bắc giáp xã Liên Mạc.

          Là xã thuộc vùng đồng bằng, tuy nhiên do địa hình vừa nằm ở trong và cả ngoài đê nên có những khu vực tương đối cao và lại có những khu vực thấp, có những nơi độ chênh lệch cách nhau khoảng 4m, độ cao trung bình từ 6,2 #8211 10,4m.

          Trên địa bàn xã Tiến Thịnh có dòng sông Hồng mang nặng phù sa, chảy dọc theo xã là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp, ngoài xã xã còn có hệ thống kênh mương nội đồng đang dần được hoàn chỉnh, bảo đảm cho việc tưới tiêu tưới nước.

          Bên cạnh những thuận lợi về đất đai, khí hậu, Tiến Thịnh có hệ thống đường giao thông khá đa dạng. Xã có đường tỉnh lộ 308 chạy qua với chiều dài 2,5km, mặt đường rộng 6m. Đường trên đê do Nhà nước quản lý đi qua khu dân cư đã được bê tông hóa với mặt đường rộng 4m; ngoài ra còn các đường liên xã, liên thôn rộng trung bình 3,5m đã được rải nhựa, bê tông hóa, đáp ứng tốt yêu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân.

          Địa hình xã Tiến Thịnh có lợi thế về mặt quân sự. Bến Thanh Điềm thuận tiện cho các tàu chở hàng hóa và vận chuyển quân trang, quân dụng dễ dàng. Vì vậy, Tiến Thịnh có tầm quan trọng về chiến lược, là căn cứ canh phòng mặt sông Hồng để bảo vệ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, đồng thời là điểm tựa vững chắc cho các cuộc chiến tranh nhân dân khi có sự biến xảy ra.

2. Đặc điểm dân cư, làng xã:

          Xã Tiến Thịnh là một vùng đất cổ, là nơi cư trú và sinh sống của người Việt cổ ở Đồng bằng sông Hồng #8211 chiếc nôi của nền văn minh dân tộc. Ngày nay, xã Tiến Thịnh gồm có 7 thôn: Trung Hà, Yên Thị, Yên Giáp, Kỳ Đồng, Thanh Điềm, Thọ Lão, Chu Trần; trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi thôn trong xã đều có tên riêng và ở đó hình thành những nét đặc trưng riêng.

          Thôn Trung Hà: có một cộng đồng dân cư sinh sống , gồm 12 dòng họ, nhưng chiêm số đông là họ Phan và họ Trần. Thôn có 526 hộ với 2447 nhân khẩu sinh sống trên diện tích 90,54 ha diện tích đất tự nhiên. Thôn Trung Hà có Đình Trung Hà, nhà thờ họ Trần Quang là di tích đã được xếp hạng cấp thành phố. Nhân dân nơi đây lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính, ngày nay, nahan dân trong thôn tập trung sản xuất bánh đa nem và đã được thành phố công nhận là làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà.

          Thôn Yên Thị: nằm ở phía Tây của xã, có 832 hộ với 4002 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên là 177,18ha. Quần tụ nơi đây có 12 dòng họ sinh sống từ lâu đời, trong đó đông nhất là dòng họ Vũ, họ Đỗ và họ Đoàn. Ở yên Thị có đình làng Yên Lão Thị được xếp hạng di tích cấp thành phố; chùa Ba Dân (Hương Lâm) là ngôi chùa chung của 3 làng Yên Thị, Yên Giáp, Kỳ Đồng. Thôn Yên Thị được công nhận là làng nghề sản xuất mỳ bún, ngoài ra còn sản xuất bánh kẹo và kinh doanh.

          Thôn yên Giáp: nằm ở trung tâm xã, có 222 hộ dân với 954 nhân khẩu, diện tích là 79,86 ha, có 10 dòng họ sinh sống, trong đó họ Đặng, họ Nguyễn là đông nhất.

          Thôn Kỳ Đồng: có 166 hộ với 667 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên là 57,62 ha, là nơi cư trú của nhiều dòng họ, đông nhất là họ Đàm và họ Nguyễn.

          Thôn Thanh Điềm: có 425 hộ với 1787 nhân khẩu, chạy dọc từ Đông sang Tây là tả đê sông Hồng, nhân dân phát triển kinh tế chủ yếu là trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

          Thôn Thọ Lão: được chia làm 3 khu dân cư, có 538 hộ với 2555 nhân khẩu, tổng diện tích đất tự nhiên là 171,53 ha, tại đây có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia là Chùa Bảo Lâm và Đền Thiên Cổ.

Thôn Chu Trần: gôm 159 hộ với 659 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên là 63,34 ha, nơi đây có 4 dòng họ sinh sống, nhưng họ Đoàn và họ Nguyễn chiếm số đông.

Top