Huyện Mê Linh

Giới thiệu về Di tích Lịch sử - Văn hóa Đình Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh

14:30 - 04/03/2024

Trong tâm thức người Việt tự xưa,"cây đa, bến nước, sân đình" vẫn vẹn nguyên hình ảnh gợi nên biết bao thân thuộc. Đình làng là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.


Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là "chứng nhân" của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Vì lẽ đó, bất cứ ai đến đây, đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết. Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian.

Đình Xa Mạc được xây dựng trên một nền đất cao ráo, bằng phẳng ngay sát đướng liên xã theo hướng chính Nam. Phía sau cách đình 100m về phía Đông có Gò Trống, cách 400m về phía Tây Bắc là Gò Chiêng và cách 800 m về phía Đông Bắc là Gõ Mõ. Tương truyền rằng: Khi trưng nữ vương khởi binh đánh giặc Tô Định, khi tiến quân đến địa đầu trang Xa Mạc, bà đã cho đắp đồn trại để lằm thế ỷ dốc, đến này còn tồn tại những dấu tích có tên trên và dân thường gọi là ''đất Ba gò''.

Giới thiệu về Di tích Lịch sử - Văn hóa Đình Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh- Ảnh 1.

Đình Xa Mạc đã được xây dựng từ lâu đời. Đến năm 1998, trước thực trạng đình ngày một xuống cấp, được sự giúp sức của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền và sự đóng góp của nhân dân, ngôi đình đã được xây dựng lại khang trang hơn trên nền đất của ngôi đình cũ. Đình Xa Mạc là công trình kiến trúc bề thế. Hiện nay, đình còn lưu giữ cuốn Ngọc phả chữ Hán (bản sao của Viện nghiên cứu Hán Nôm). Đây là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về mọi mặt đời sống của làng Xa Mạc xưa, từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa của địa phương trên cơ sở kế thùa phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương theo định hướng của Đảng.

Theo thần tích, thần phả, đình làng Xa Mạc là nơi thờ các vị nhân thần và thiên thần đã có công trong cuộc kháng chiến giành và giữ gìn nền độc lập dân tộc, đó là: Vương vị Hiển ứng Đại Vương, Ngụy vực Hiển ứng Đại Vương, Tá vị Hiển ứng Đại Vương, Mộc Lan Hiển ứng Đại Vương – các vị thiên thần đã phù trợ Trưng nữ vương dẹp tan giặc Tô Định (thời Đông Hán) giành độc lập dân tộc ở buổi đầu Công nguyên; Nhã Lang Hiển ứng Đại Vương, Ả Lã Nàng Đê công chúa đã có công âm phù và trực tiếp cùng nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước thời hậu Lý Phật từ thế kỷ VI; và Xá Lỵ Đế vương, vương vị nối ngôi Triều Lý thế kỷ XI. Đồng thời, đình làng Xa Mạc còn là trung tâm chính trị văn hóa của làng Xa Mạc, nơi bảo lưu và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể mà trong đó, nổi bật là Hát dân ca Xa Mạc nổi tiếng, đã và đang được bảo tồn, phát huy, trở thành những nhân tố tích cực góp phần xây dựng làng văn hóa, kế thùa những truyền thống tốt đẹp của cha ông, để không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân địa phương trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay. Đình Xa Mạc là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống, là niềm tự hào của nhân dân nơi đây.