Hiệu quả mô hình chợ, tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt
Thay vì phải mang theo ví tiền như trước đây, nhiều người dân giờ chỉ cần mang theo điện thoại có kết nối mạng internet mỗi khi đến chợ Quang Minh, bởi tất cả quầy hàng đều đã thực hiện thanh toán qua mã QR, tài khoản ngân hàng, ví điện tử…đảm bảo nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Quang Minh.
Chị Nguyễn Thị Hướng, Tổ dân phố số 3, thị trấn Quang Minh chia sẻ: "Các quầy hàng tại chợ Quang Minh hiện nay đều có mã QR để thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Do vậy, khi đi mua hàng, tôi ít khi mang tiền mặt, mà chủ yếu thực hiện thanh toán bằng chuyển khoan. Điều này mang lại rất nhiều tiện ích, vừa nhanh chóng, thuận tiện lại an toàn."
Là tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Quang Minh, bà Ngô Thị Lưu cho hay: "Giờ không còn mấy ai thanh toán bằng tiền mặt nữa. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, quét mã QR, việc thanh toán diễn ra rất nhanh chóng, tiện lợi. Khách hàng không cần mang theo ví tiền, lúc nhớ lúc quên, đôi khi còn lo rơi mất. Còn người bán cũng không phải bận lòng về nguy cơ tiền giả, tiền rách hay nhầm lẫn, sai sót khi thu tiền hàng hoặc trả lại tiền thừa cho khách."
Chủ tịch UBND xã thị trấn Quang Minh Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về triển khai xây dựng mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" tại chợ Quang Minh, đầu năm 2024, UBND thị trấn đã phố hợp với Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó vận động người dân tham gia hưởng ứng. Địa phương cũng huy động lực lượng công an, đoàn viên thanh niên, tổ chuyển đổi số cộng đồng phối hợp với ngân hàng ra quân thực hiện mở tài khoản, in và lắp đặt các bảng quét mã QR cho 100% tiểu thương. Đến nay, sau một năm triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Quang Minh đã trở thành thói quen đối với cả người mua và người bán, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đạt trên 70%.
Tại xã Tiền Phong, mô hình "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt" được triển khai tại khu phố Yên từ năm 2024 với tỷ lệ hộ kinh doanh có tài khoản ngân hàng, có mã QR treo tại quầy đạt 100%, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đạt trên 80%.
Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Ngô Văn Trung chia sẻ, sau khi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản và phát hành mã QR, 100% hộ kinh doanh tại khu phố Yên đều hào hứng tham gia. Bởi hình thức này thuận tiện với cả người mua và người bán, giúp giao dịch trở nên đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Hà, hộ kinh doanh đồ điện, gia dụng tại khu phố Yên, xã Tiền Phong cho biết, trước khi sử dụng thanh toán số, ông rất băn khoăn và ngại thay đổi vì nghĩ thanh toán số khó làm. Tuổi cao nên có thể gây nhầm lẫn hoặc làm chậm, khiến khách hàng không vừa lòng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, ông đã thực hiện rất nhanh chóng, thuận tiện. Từ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, khách hàng đều vui vẻ ủng hộ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động mua bán, kinh doanh
Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 08 chợ truyền thống bao gồm: Chợ Quang Minh (thị trấn Chi Đông); chợ Chi Đông (thị trấn Chi Đông); chợ Hạ, chợ Hoa (xã Mê Linh); chợ Yên (xã Tiền Phong); chợ Sặt (xã Tự Lập); chợ Thạch Đà (xã Thạch Đà), chợ Đầu Đê (xã Tiến Thịnh) và 01 tuyến phố (phố Yên, xã Tiền Phong) với khoảng 5.000 tiểu thương buôn bán, kinh doanh.

Mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt", "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt" góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, thời gian qua, huyện Mê Linh quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều lĩnh vực như: Thanh toán phí, lệ phí tại tại Bộ phận Một cửa của huyện và các xã, thị trấn; thanh toán viện phí tại Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh và các phòng khám trực thuộc Trung tâm Y tế; thanh toán học phí tại các nhà trường, cơ sở giáo dục; chi trả lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội...
Trong đó, việc triển khai mô hình chợ, tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động mua, bán, thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.
Năm 2024, UBND huyện đã triển khai mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" tại 03 chợ trên địa bàn gồm: Chợ Quang Minh (thị trấn Quang Minh); chợ Hạ, chợ Hoa (xã Mê Linh) và "Tuyến phố không dùng tiền mặt" tại khu phố Yên, xã Tiền Phong.
Để mô hình được triển khai hiệu quả, UBND huyện đã ban hành vản bản chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, UBND các xã, thị trấn, các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh, tiểu thương và người dân tích cực tham gia hưởng ứng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong mua, bán hàng hóa. Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên phối hợp với Ban quản lý chợ, trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, các ngân hàng triển khai hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh mở tài khoản, tải app ngân hàng trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính; in và cấp mã QR treo tại quầy hàng để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Mê Linh đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tiểu thương trong thực hiện mô hình. Hầu hết các hộ kinh doanh đã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo nên sự thay đổi tích cực trong thói quen mua bán. Đến nay, tỷ lệ tiểu thương có tài khoản ngân hàng và mã QR tại chợ Quang Minh, chợ Hạ, chợ Hoa và khu phố Yên đều đạt 100%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt bình quân trên 70%.
Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình, thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, UBND huyện đang quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" tại 04 chợ còn lại gồm: chợ Chi Đông (thị trấn Chi Đông); chợ Yên (xã Tiền Phong); chợ Sặt (xã Tự Lập); chợ Thạch Đà (xã Thạch Đà), chợ Đầu Đê (xã Tiến Thịnh) và mô hình "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt" tại một số tuyến phố trên địa bàn thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông; phấn đấu đến hết năm 2025, 100% tiểu thương tại các chợ và tuyến phố tham gia mô hình đều có tài khoản và được trang bị mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể thấy, việc triển khai, nhân rộng mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt", "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt" đã góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán. Mô hình này được kỳ vọng là bước đệm quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn huyện Mê Linh.