Mê Linh: 100% xã, thị trấn có mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy"

30/05/2023 | 16:10

Thực hiện Kế hoạch số 53 ngày 16/2/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho cộng đồng trên địa bàn Thành phố, UBND huyện Mê Linh xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn Huyện.

Theo đó, việc thành lập mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC"  là một trong những mô hình được đông đảo người dân trên địa bàn Huyện hưởng ứng nhiệt tình.

Mê Linh: 100% xã, thị trấn có mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" - Ảnh 1.

Đ/c Trần Thanh Hoài - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND Huyện chủ trì hội nghị chỉ đạo các xã, thị trấn ra mắt mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC"

          Với mục tiêu đến hết ngày 31/5/2023, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện có mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và điểm chữa cháy công cộng, Công an huyện Mê Linh đã tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn rà soát các khu dân cư trong ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy khó tiếp cận, các điều kiện an toàn PCCC không đảm bảo để triển khai, ra mắt mô hình, từ đó nâng cao ý thức của người dân về PCCC & CNCH, chủ động hơn trong việc chuẩn bị các phương án thoát nạn, tự trang bị phương tiện PCCC và CNCH tại gia đình, hình thành thói quen chủ động, sẵn sàng trong công tác PCCC, có khả năng xử lý các tình huống cháy, nổ ban đầu.

Đến ngày 28/5/2023, 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn Huyện đã ra mắt mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và điểm chữa cháy công cộng. Mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và điểm chữa cháy công cộng được triển khai đã phát huy được tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể thực hiện công tác PCCC. Tham gia mô hình, mỗi hộ dân được hỗ trợ trang bị một bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa...); được bố trí chuông báo cháy phía ngoài nhà, hệ thống báo cháy của các hộ gia đình được liên kết với nhau để khi xảy ra sự cố cùng phối hợp xử lý... Cùng với đó, các gia đình tham gia "Tổ liên gia an toàn PCCC" còn có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC cho người dân và các hộ có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chủ động ứng phó với các sự cố cháy, nổ tại chỗ một cách nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại.

Ông Lê Văn Khoái, một trong những hộ kinh doanh quần áo tại Tổ dân phố số 8, thị trấn Quang Minh là thành viên của "Tổ liên gia an toàn PCCC"  chia sẻ: Thị trấn Quang Minh có số lượng dân đông, nhà ở lại sát nhau nên khi xảy ra cháy nếu không được xử lý ngay sẽ rất nguy hiểm. Do đó, thay vì trông chờ vào lực lượng PCCC chuyên nghiệp, các thành viên có thể nhanh chóng tiếp cận hiện trường đám cháy. Với trang thiết bị đã được cấp, có thể dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu, không để bùng phát lan rộng ra xung quanh. Tôi thấy mô hình mô hình này rất hiệu quả và cần được nhân rộng, để bảo đảm an toàn PCCC ở các khu dân cư hiện nay.

Tổ Dân phố số 5, thị trấn Chi Đông là khu dân cư đầu tiên của Huyện ra mắt mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC". Tham gia mô hình có 05 hộ gia đình liền kề nhau, do ông Ngô Văn Tài làm tổ trưởng. Kinh phí đầu tư trang bị các thiết bị, hệ thống PCCC cho mỗi hộ gia đình hết khoảng 1,2 triệu đồng. Mô hình được thực hiện thí điểm nên các hộ dân được UBND thị trấn hỗ trợ phần kinh phí, chỉ phải đóng góp 600 nghìn đồng. Có hệ thống, thiết bị PCCC, cứu hộ, cứu nạn và được hướng dẫn cách sử dụng, xử trí khi có tình huống cháy, nổ xảy ra nên người dân yên tâm hơn. Các hộ gia đình cũng ý thức hơn, thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC như bố trí mặt bằng, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn PCCC; sắp xếp vật dụng, thiết bị, chất dễ gây cháy gọn gàng, không cản trở đường và lối thoát nạn.

Mê Linh: 100% xã, thị trấn có mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" - Ảnh 2.

Điểm chữa cháy công cộng tại thị trấn Chi Đông

Để mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, UBND Thị trấn Chi Đông ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ trưởng, tổ phó, các thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ khu dân cư, sự quản lý điều hành của tổ trưởng tổ dân phố, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng Công an....

Thôn Khê Ngoại 1, xã Văn Khê có nhiều nhiều hộ dân tham gia kinh doanh hàng ăn, do vậy nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cháy, nổ rất cao. Chính vì thế, khi Huyện triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", UBND xã đã tích cực vận động người dân tham gia, qua đó mong muốn sức mạnh liên gia sẽ không dừng ở phòng, chống "giặc lửa" mà bao hàm công tác bảo đảm an ninh trật tự, thắt chặt tình làng nghĩa xóm...

UBND xã Văn Khê đặt ra yêu cầu đầu tiên của mô hình, là phát huy tinh thần xã hội hóa, tính tự lực của mỗi gia đình, các cơ quan, đoàn thể, trong trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy. Khi đã có phương tiện chữa cháy cơ bản như bình bọt, thôn Khê Ngoại 1, trang bị thêm các thiết bị báo cháy, báo sự cố giữa các hộ liên gia; và được cán bộ PCCC chuyên nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng với chính thiết bị mà người dân mua sắm. Phương tiện sẵn sàng, kỹ năng được bồi bổ, nên ý thức trách nhiệm, phòng ngừa của mỗi người dân ngày càng được nâng lên.

Với 20 hộ gia đình tại thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh thì mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" là cơ sở để tổ liên gia huy động sức mạnh tổng thể từ quần chúng Nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, nâng cao kỹ năng PCCC cho mỗi người dân, hộ gia đình. Trong đó, tham gia mô hình, mỗi hộ trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 01 dụng cụ phá giỡ như xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu, các phương tiện này được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy. Điểm nổi bật của mô hình là mỗi hộ gia đình lắp đặt một chuông báo cháy, lắp đặt nút ấn báo cháy ở vị trí phù hợp của mỗi hộ gia đình.

Mê Linh: 100% xã, thị trấn có mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" - Ảnh 3.

UBND xã Đại Thịnh tặng bình chữa cháy cho Tổ liên gia an toàn PCCC thôn Đại Bái

Chia sẻ về mô hình mới này, ông Nguyễn Văn Hưng - Tổ trưởng "Tổ liên gia an toàn về PCCC" của thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh cảm thấy rất vui mừng và lạc quan với mô hình liên kết các gia đình trong công tác đảm bảo an toàn cháy nổ như thế này. Theo ông, "việc ra đời của mô hình "Tổ liên gia an toàn về PCCC" đã đáp ứng được mong mỏi của nhiều người dân trước thực trạng các vụ cháy nổ xuất hiện ngày càng nhiều.

Thượng tá Ngô Tiến Long - Phó trưởng Công an huyện Mê Linh cho biết: Hỏa hoạn là nỗi lo lắng, ám ảnh của mỗi người vì hậu quả của nó để lại không thể lường trước được. Hiện nay, các vụ cháy nổ xảy ra tại khu dân cư và nhà ở riêng lẻ có xu hướng gia tăng, đặc biệt các khu dân cư trong ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận được, trong khi ở đó các điều kiện an toàn PCCC không đảm bảo. Bởi vậy, chủ động phòng cháy, chữa cháy tại chỗ ngay từ khu dân cư là điều thiết yếu. Hiểu rõ điều này, Công an huyện Mê Linh đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn Huyện theo hướng dẫn của Bộ Công an. Đến nay, toàn Huyện đã thành lập và đi vào hoạt động 27 "Tổ liên gia an toàn PCCC" và 31 điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn 18 xã, thị trấn. "Tổ liên gia an toàn về PCCC" được huyện Mê Linh triển khai vững chắc và phát huy hiệu quả tại các xã, thị trấn là cơ sở để thời gian tới, tiếp tục nhân rộng, lan toả mô hình trên địa bàn toàn Huyện, tạo môi trường ổn định, phục vụ nhiệm vụ phát triển chung của địa phương...

Nguyễn Thu

Top