Đền Thạch Đà là nơi thờ tam vị đức thánh mẫu, nhị vị tiên cô, quan thái giám; Ả Nương công chúa, Mỵ Nương công chúa, Bộ hộ Thượng Thư. Tục làm bánh trắng, bánh đỏ xuất phát từ việc làm bánh khao quân của 3 nữ tướng thời Hai Bà Trưng.
Trên địa bàn xã Thạch Đà có 2 dòng họ được vinh dự làm bánh trắng, bánh đỏ dâng Đức Thánh Bà, là dòng họ Nguyễn Khắc và dòng họ Nguyễn Văn – Nguyễn Duy (gọi tắt là họ Nguyễn Văn –Duy). Mỗi năm, việc làm bánh lại do một trai đinh đảm nhận.

Các dòng họ hoàn thiện mâm bánh trắng, bánh đỏ chuẩn bị dâng cúng Đức Thánh
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, thôn 4 xã Thạch Đà – đại diện cho họ Nguyễn Khắc năm nay được vinh dự làm bánh trắng dâng Đức Thánh Bà chia sẻ: Được vinh dự giao làm bánh, các thành viên trong giáp chúng tôi vô cùng hào hứng lên phương án chuẩn bị từ đầu năm. Từ các nguyên liệu làm bánh như gạo nếp, đường, cho đến các dụng cụ phục vụ làm bánh như nồi quân dụng, bát, mâm tre, chảo gang, khăn mặt, rổ rá, thúng, sàng,…được chuẩn bị chu đáo.

Lãnh đạo xã Thạch Đà cùng đại diện các dòng họ bên mâm bánh thành phẩm
Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp cái hoa vàng, được chọn kỹ từ giống lúa đến chân ruộng tốt để trồng ra loại gạo hạt tròn, căng mẩy. Gạo được giã hoặc xay cho nhuyễn, rây kỹ lại cho sạch rồi mới đem ra để nặn bánh. Việc nặn sao cho bánh có hình tròn đẹp mắt được giao cho người có tuổi thạo việc, khéo tay.
Tất cả các công đoạn làm bánh đều được làm bằng phương pháp thủ công truyền thống, thể hiện đoàn kết, sự dẻo dai, khéo léo của con em dòng họ. Theo ông Huỳnh: Mỗi năm dòng họ làm 30 - 50 bát bánh trắng cùng với một mâm xôi và một con gà làm lễ vật dâng Đức Thánh.

Lãnh đạo xã Thạch Đà thăm, kiểm tra họ Nguyễn Văn Duy làm bánh đỏ
Ông Nguyễn Văn Trọng – đại điện dòng họ Nguyễn Văn và Nguyễn Duy năm nay được vinh dự giao làm bánh đỏ chia sẻ: Mỗi năm dòng họ dành 60 -65 kg gạo (trong đó 50kg để làm bánh, số còn lại dùng để nấu xôi) dâng cúng Đức Thánh. Quy trình làm bánh đỏ được thực hiện cẩn trọng từng khâu, để bánh thành phầm đẹp mắt, không vỡ nát. Bột gạo nếp xay và rây sạch sẽ được trộn đều cùng với mật, rồi nặn thành bánh. Bánh nặn xong sẽ được cho vào nồi nước sôi để luộc, với 3 lần chìm, 7 lần nổi cho bánh chin đều. Bánh chín đều được vớt ra để ráo, sau đó cho vào chảo nước dùng có chứa mật, đảo đều tay để bánh quyện cùng mật. Bánh được múc ra bát, rồi rắc các nguyên liệu tò ho, thảo quả, quế chi, hoa hồi lên để để tạo màu đỏ và hương thơm đặc trưng. Phần nhân bánh được làm bằng đỗ xanh (đỗ được rang vàng, đồ chín) rồi trộn cùng tò ho, mật tạo cho nhân bánh vị ngọt thanh và mùi thơm khác lạ.
Từ sáng ngày mồng 6 tháng Giêng, trai họ bắt tay làm bánh. Người ngâm gạo, người giã bột, rây bột; người trộn bột, nặn bánh; nhóm khác rang đỗ, đồ đỗ để làm nhân bánh. Trước khi bắt tay làm bánh, thanh niên trong họ phải rửa tay tẩy uế bằng nước gừng.
Cả dòng họ có 700 hộ với hơn 1.300 đinh, nhưng không phải đinh nào cũng được vinh dự làm bánh dâng lên Đức Thánh. Việc làm bánh được ưu tiên cho các đinh cao tuổi, (từ 70 tuổi trở lên). Trai đinh trong họ mỗi người chỉ may mắn được làm bánh duy nhất một lần trong đời. Được làm bánh là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người con dòng họ.

23h đêm mồng 6 tháng Giêng, trai đinh của các dòng họ khâng bánh lên Đền
Sau khi chuẩn bị tươm tất, con cháu hai dòng họ áo khăn chỉnh tề, khâng bánh đến Đền, bày ở gian chính giữa. Lúc này diễn ra nghi thức bàn giao bánh giữa 2 dòng họ với chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích. Đúng thời khắc 0h ngày 7 tháng Giêng, đội tế nam của Ban quản lý di tích Đền thực hiện nghi thức tế thập bái, dâng bánh lên tam vị Đức Thánh Bà.

Bánh dâng cúng Đức Thánh tại Đền Thạch Đà
Sau một tuần hương, bánh trắng, bánh đỏ và các lễ vật được hạ lộc, một phần chia cho những người tham dự, một phần các dòng họ mang về phân phát cho con cháu, với ngụ ý thụ lộc thánh để gặp nhiều may mắn, bình an, “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”.
Tục dâng bánh đỏ, bánh trắng là nét đẹp văn hóa truyền thống ở Thạch Đà, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; góp phần tuyên truyền, quảng bá về truyền thống văn hóa, quê hương, con người Thạch Đà đến bè bạn du khách thập phương./.