Hội nghị Phản biện vào dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021 – 2025

Sáng ngày 11/12/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị phản biện vào dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021 – 2025 của UBND huyện Mê Linh.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hoa –  Phó Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện trình bày nội dung cơ bản dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, toàn huyện có 5.000 lao động được đào tạo nghề. Sau khi được đào tạo nghề, có 4.250 học viên có việc làm hoặc tự tạo được việc làm, đạt tỷ lệ 85%. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên còn thấp (28,3%); cơ cấu lao động trong các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp chiếm tỷ trọng cao 54%, các ngành Công nghiệp - Xây dựng và ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần, một bộ phận lao động chuyển đổi từ nông nghiệp, chưa qua đào tạo gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nhất là lao động lớn tuổi ở nông thôn. Chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp nên một bộ phận học viên sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đúng nghề được đào tạo.

Đồng chí Chu Thị Hậu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tiếp thu các ý kiến phản biện vào dự thảo Đề án của các đại biểu

Mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021-2025” là tiếp tục đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động giai đoạn 2021 – 2025. Các chỉ tiêu cần đạt theo Đề án là: Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 75% – 80% , tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm tối thiểu đạt 85 %, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc 45% và Bảo hiểm thất nghiệp 35%, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng cây nông nghiệp hàng năm bình quân đạt 205 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân/ đầu người đạt 65 triệu đồng.

Hội nghị đã có 13 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị phản biện. Các ý kiến đều đồng tình với việc xây dựng Đề án và tham gia đóng góp vào một số vấn đề về bố cục của Đề án; tính cần thiết của Đề án; thực trạng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động trên địa bàn huyện; nội dung của Đề án. Đây là Đề án có tính văn cao, các đại biểu dự cũng kiến nghị với UBND huyện hoàn thiện dự thảo Đề án; báo cáo, trình HĐND huyện xem xét, thông qua tại kỳ họp HĐND huyện lần thứ 14 được tổ chức vào cuối tháng 12/2020.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chu Thị Hậu  – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời tổng hợp gửi UBND huyện Mê Linh để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021 – 2025.

          

                                                                                 Lê Đình Khoát