Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại huyện Mê Linh

Tối 03/11/2023, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ. Đây là hoạt động kỷ niệm 78 năm truyền thống ngành NN&PTNT (1945-1923), 69 năm thành lập Sở NN&PTNT Hà Nội (30/11/1954-30/11/2023).

Tham dự sự kiện, đại biểu Bộ NN&PTNT có đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; đồng chí Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp; đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các Cục, Trung tâm, Viện,.. trực thuộc Bộ NN&PTNT.

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại huyện Mê Linh - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện.

Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Xuân Đại - Thành ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố; đồng chí Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố; đồng chí Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố;… Cùng dự có đại biểu 19 tỉnh, Thành phố Nam Bộ và 21 tỉnh, Thành phố khác trong cả nước.

Tham dự khai mạc sự kiện, đại biểu huyện Mê Linh có đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện; đồng chí Hoàng Văn Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các HĐND, UBND Huyện; lãnh đạo các ban, phòng, ngành, đoàn thể Huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn cùng đông đảo Nhân dân và du khách;…

Phát biểu khai mạc sự kiện, đồng chí Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho biết, sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh Nam Bộ nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình "Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại huyện Mê Linh - Ảnh 2.

Đồng chí Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu khai mạc sự kiện.

Sự kiện lần này có quy mô 100 gian hàng và hơn 2.000 sản phẩm OCOP thuộc nhóm hàng nông sản sạch, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, gốm sứ, dệt may....và đặc sản vùng miền đến từ 19 tỉnh, Thành phố Nam Bộ, gồm: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, chương trình còn thu hút 21 tỉnh, Thành phố khác trong cả nước. Trong đó, riêng thành phố Hà Nội có 60 gian hàng với hơn 1.000 sản phẩm OCOP.

Sự kiện còn trưng bày 56 ảnh các tác phẩm đạt giải Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023 và bức ảnh tiêu biểu về thành tựu xây dựng nông thôn mới của Thủ đô với chủ đề "Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội"; biểu trưng của sự kiện với tác phẩm "Tứ Linh Hội Tụ" được kết tinh từ hoa quả tươi nhiều màu sắc và các sản phẩm OCOP do các nghệ nhân lành nghề thực hiện.

Các không gian trang trí đặc trưng của các tỉnh, thành phố Nam Bộ và các làng nghề của Hà Nội như: Nặn tò he, tăm hương Quảng Phú Cầu, nón làng Chuông, gốm Bát Tràng, hoa hồng Mê Linh, vườn hoa hướng dương, con đường đèn lồng sắc màu ánh sáng... sẽ là nơi để quý khách lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng trong thời gian diễn ra sự kiện.

Cùng với đó, không gian trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: Thưởng ngoạn trà sen, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, đặc sản ẩm thực Tây Bắc….

Đặc biệt, vào 20h mỗi tối (từ ngày 4 đến 6/11/2023) diễn ra chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đắc sắc với các tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước và chào mừng Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức từ ngày 3 đến 7/11/2023.

Phát biểu chào mừng sự kiện, đồng chí Lê Văn Khương - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nhấn mạnh, huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; có diện tích tự nhiên trên 14 nghìn ha; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 8.000 ha, chiếm 57% diện tích đất tự nhiên, có trên 2.000 ha đất bãi bồi ven sông Hồng. Nhân dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, là vùng trồng hoa lớn nhất Miền Bắc; cung cấp rau quả, hoa lớn cho thành phố (sản lượng rau quả chiếm khoảng 12% Thành phố; sản lượng hoa chiếm khoảng 27% Thành phố).

Mê Linh có vị trí giao thông thuận lợi, nhất là đường Vành đai 4 đang được Thành phố chỉ đạo quyết liệt. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai 4 sẽ là đầu mối giao thông huyết mạch quan trọng kết nối giao thương với các địa phương trên cả nước, góp phần phát triển mạnh nền kinh tế - xã hội của Huyện và Thủ đô Hà Nội.

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại huyện Mê Linh - Ảnh 3.

Đồng chí Lê Văn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh phát biểu chào mừng sự kiện

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh có bước phát triển quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân đạt 7-8%, tỷ trọng các ngành Công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp tương ứng là 81,8%; 7,2%; 11%; thu ngân sách bình quân hằng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Huyện luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở giúp phát triển kinh tế; Công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường được triển khai quyết liệt; sự nghiệp văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, huyện Mê Linh xây dựng, triển khai Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn đoạn 2021-2025, với mục tiêu nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ cho 120-140 sản phẩm. Đến nay, Huyện đã có 104 sản phẩm OCOP (trong đó, có 79 sản phẩm 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao); trong đó, có nhiều sản phẩm tiềm năng phát triển đạt 4-5 sao như: Chè sen Mê Linh, hoa bất tử, bưởi đỏ Đông Cao, Cốm Tam Đồng… Huyện quan tâm hỗ trợ 06 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; tích cực kết nối với các đơn vị trong và ngoài Thành phố hỗ trợ chủ cơ sở tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Với mong muốn tăng cường giao lưu, quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho các sản phẩm của Huyện; đồng thời, đóng góp thêm vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam, Mê Linh tham gia 24 gian hàng, giới thiệu hơn 200 sản phẩm đặc trưng và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao, chương trình trải nghiệm thực tế hưởng ứng sự kiện quan trọng này, góp phần phục vụ, thu hút đông đảo Nhân dân tới thăm quan, tìm hiểu, giao lưu và mua sắm tại các gian hàng;..

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại huyện Mê Linh - Ảnh 4.

Các đại biểu thăm Bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại huyện Mê Linh - Ảnh 5.

Các đại biểu thăm quan gian hàng cốm của xã Tam Đồng, huyện Mê Linh.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã thăm quan các gian hàng và khu trưng bày tại sự kiện.