Gồm: 02 làng có nghề (làng nghề trồng hoa đào tại 02 xã); 01 làng nghề truyền thống (làng nghề đan lát tại xã Tam Đồng) và 05 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề Hà Nội tại Quyết định số 8886/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 (làng nghề làm bánh đa nem và làm mỳ bún tại xã Tiến Thịnh; làng trồng hoa cây cảnh tại xã Mê Linh và làng nghề trồng hoa xã Đại Thịnh).
Các làng nghề trong toàn huyện Mê Linh hiện đang có hơn 5.275 hộ gia đình tham gia, trong đó có 3.072 hộ làm nghề với trên 8.300 lao động làm nghề. Hoạt động sản xuất trong các làng nghề đã tạo công ăn việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho lao động nông thôn, đồng thời góp phần vào tổng giá trị sản xuất kinh tế cho toàn Huyện. Những hộ ở các làng nghề như đan lát mây tre, làm mỳ bún và làm bánh đa nem có thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng, còn tại các hộ trong làng nghề trồng hoa và cây cảnh có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Người dân làng hoa xã Mê Linh thực hiện cắt tỉa, uốn thế hoa hồng
Kể từ khi được công nhận làng nghề vào năm 2017, đến nay, Làng hoa cây cảnh Hạ Lôi, xã Mê Linh đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước kia, người dân trong thôn thường trồng hoa hồng cắt cành để bán. Những năm gầy đây, nắm bắt xu hướng thị trường người tiêu dùng thích mua các loại hoa hồng trồng chậu và cây giỏ treo, người trồng hoa ở xã Mê Linh đã chuyển mạnh sang trồng hồng bonsai, hồng chậu uốn thế và kết hợp với cây treo. Trong đó, một số gia đình có điều kiện và kinh nghiệm đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng hoa hồng chậu, hoa hồng bonsai nhận cấy ghép hoa hồng ngoại cho thu nhập gấp ba, bốn lần. Những hộ gia đình có người biết tự ươm gốc tầm xuân và ghép hồng ngoại, kết hợp tạo hình, uốn thế đẹp thì thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng/sào/năm, trong khi hồng cắt cành chỉ cho từ 200 đến 300 triệu đồng/sào/năm.
Cũng được UBND Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2017, làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh tiếp tục được người dân trong thôn gìn giữ, duy trì và phát triển nghề với các sản phẩm bánh đa nem thơm ngon, dẻo dai mang đặc trưng riêng của địa phương, được nhiều người biết đến. Làng nghề bánh đa nem Trung Hà đã được phát triển mạnh và đang là nghề chính, nghề mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ gia đình trong thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh. Hiện nay, nhờ áp dụng máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm bánh đa nem Trung Hà đã được nâng cao, thương hiệu sản phẩm bánh đa nem Trung Hà, Tiến Thịnh ngày càng tiến xa hơn trên thị trường tiêu thụ, có mặt ở khắp các thị trường trong nước và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Có thể thấy, việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn tại các địa phương đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo tăng thu nhập cho lao động vùng nông thôn, đồng thời tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ của địa phương… Đây là những điều kiện thuận lợi để các ngành nghề truyền thống phát triển bền vững nhằm tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.

Người dân làng nghề bánh Đa nem, thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh thực hiện công đoạn phơi bánh
Để các làng nghề phát triển ổn định và bền vững thì việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, bên cạnh việc duy trì và phát triển nghề, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng được UBND Huyện chỉ đạo chính quyền địa phương, các làng nghề đẩy mạnh triển khai thực hiện.
Thực tế trên địa bàn huyện Mê Linh hiện nay các làng nghề đều hoạt động tốt, được công nhận nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều làng nghề chưa triển khai thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể do vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Năng lực quản lý, công nghệ, thiết bị lạc hậu; hầu hết lao động ở các làng nghề chưa được đào tạo cơ bản; nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất nghề chưa tiếp cận công nghệ mới, chủ yếu phát triển theo hình thức học hỏi kinh nghiệm, hoặc theo phương pháp "cha truyền con nối" giá trị sản xuất thấp, không bắt kịp nhu cầu thị trường...
Để khắc phục những yếu kém của các làng nghề, những năm gần đây, UBND Huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển các làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựngnông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, tiêu thụ sản phẩm; …
Cùng đó, Huyện cũng khuyến khích sự lan tỏa nghề truyền thống ra vùng lân cận và đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch, hướng tới xây dựng các tour du lịch ngay tại làng nghề kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử...
Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước, các hộ kinh doanh, HTX các làng nghề cũng cần chủ động phát huy nội lực, sáng tạo trong việc thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại; ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí trên đơn vị sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường nông thôn… Có vậy làng nghề truyền thống mới tiếp tục phát triển, đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.