Xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025

Sáng 7/4/2025 (tức ngày mồng 10 tháng 3 năm Ất Tỵ), Đảng ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và Khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025 tại di tích Đình Bồng Mạc, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc.

Đến dự chỉ đạo có đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Lê Văn Khương - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện; lãnh đạo Đảng Ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ các xã Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tự Lập, Thạch Đà, Tam Đồng, Chu Phan; các ban, ngành đoàn thể thuộc xã Liên Mạc, Tiểu ban tổ chức Lễ hội Đình – Chùa Bồng Mạc, các đồng chí Bí thư chi bộ, các trưởng phó thôn, các giám đốc hợp tác xã, các đơn vị trường học đóng trên địa bàn xã, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội.

Xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025- Ảnh 1.

Các đồng chí thường trực UBND huyện tặng hoa chúc mừng

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Đức Tình cho biết: Cụm di tích Đình - Chùa Bồng Mạc là cụm di tích cổ, thuộc thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc. Đây là cụm di tích có giá trị văn hóa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1995.

Di tích lịch sử Đình Bồng Mạc: Theo cuốn Ngọc phả còn lưu truyền lại thì đình Bồng Mạc là ngôi đình cổ, thờ 5 vị tướng là Ả Nang, Ả Nương, Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang, Lý Phật Mã là những người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Ả Nang và Ả Nương là những tướng tài ba của Hai Bà Trưng có công trợ giúp Hai Bà đánh đuổi giặc Đông Hán lập nên nhà nước đầu tiên ở đầu công nguyên. Lý Phật Tử là dòng dõi Lý Nam Đế, ông là một tướng giỏi; năm 554, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục cướp ngôi lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Năm 555, Lý Phật Tử được quân sĩ tôn làm vua, năm 557, ông dẫn quân đánh bại Triệu Việt Vương giành chiến thắng tiếp tục xây nền tự chủ của nước ta. Năm 601, nhà Tùy sang xâm lược nước ta, vây thành Cổ Loa, Lý Phật Tử thất thế phải đầu hàng; Lý Nhã Lang (còn gọi là Đức Thánh Chàng), con của vua Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành, người làng Chu Chàng. Lý Nhã Lang lĩnh chức Đông Cung, dẫn quân phá tan giặc Tùy ở Long Biên giữ yên bờ cõi. Sau khi đánh đuổi giặc Tùy, Nhã Lang cùng mẹ về quê ở Chu Chàng; khi qua đời, để tưởng nhớ công lao của ông nhân dân nhiều nơi đã tôn ông là thành hoàng.

Lý Phật Mã là vị phúc thần triều Lý, có công trong việc gây dựng và bảo vệ vương triều Lý dẹp loạn "Tam vương" và đánh giặc Chiêm Thành sau này là vua Lý Thái Tông (1028 - 1054).

Để tri ân công lao của các ngài, Nhân dân thôn Bồng Mạc đã lập Đình, sắm sửa đèn nhang, lễ vật, tế lễ phụng thờ. Hàng năm, lễ hội được diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch (đại lễ được tổ chức 5 năm/ 1lần) để tưởng nhớ công lao của các vị thần đối với Nhân dân và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Đình Bồng Mạc được xây dựng trên một khu đất rộng, cao ráo thoáng mát, ngay sát đường liên xã, quay mặt về hướng Tây Nam là hướng của thần thánh; Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ "Đinh", gồm toà Đại đình 5 gian và Hậu cung. Đình có kiến trúc đồ sộ, bề thế, nguy nga, cổ kính được trạm, trổ hình tượng rồng chầu mặt nguyệt.

Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như cuốn Ngọc phả gồm 24 trang do Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Đức thứ nhất (1470); sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740); bức Nghi môn (hoành phi) có kích thước lớn, có 4 chữ Hán "Chính long đức chung" - nghĩa là "Thờ thần ở giữa" được chia thành nhiều băng, ô trạm khắc tinh sảo.

Di tích Chùa Bồng Mạc hay còn gọi là chùa Long Diêm được xây dựng vào thời Nguyễn. Chùa có kiến trúc khá đồ sộ, gồm 5 toà nhà: Tiền đường, Thượng điện, 2 hành lang, nhà Tổ được bố trí nối liền nhau theo kiểu chữ "Môn". Trong chùa có 23 pho tượng cổ bằng gỗ được tạo dáng đẹp, cân đối; bài trí hài hoà thành hệ thống trong chùa; mỗi pho tượng đều có một kích thước và dáng vẻ riêng phù hợp với nội dung, tích truyện của từng nhân vật được diễn tả. Đặc biệt ở ban thờ Chính điện của chùa có pho tượng Phật A Di Đà với kích thước khá lớn cùng bức tượng phật bà nhiều tay, nhiều mắt đều được son son thếp bạc tạo nên sự uy linh của ngôi chùa.

Ngoài ra, chùa còn có tới 20 bức chạm khắc tinh sảo trên các cốn nách với các hình Tứ linh Long (Rồng), Lân (Kỳ Lân), Quy (Rùa) và Phụng (Phượng Hoàng); từng họa tiết trang trí ở chùa đều thể hiện tấm lòng cởi mở, vị tha và sự từ bi hỷ xả của Đức phật.

Đình - Chùa Bồng Mạc là nơi người dân giao lưu văn hoá, hoạt động tín ngưỡng, phát huy truyền thống, nét thuần phong mỹ tục bản sắc văn hoá quê hương và lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Trải qua thời gian, Đình - Chùa Bồng Mạc đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân; được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thành phố, huyện Mê Linh đã đầu tư hơn 93 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo ngôi Đình - Chùa Bồng Mạc khang trang đến nay đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân nơi đây.

Nhân dịp Lễ hội truyền thống Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025, Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ xã Liên Mạc đã tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ tôn tạo cụm di tích Đình - Chùa Bồng Mạc để đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, cũng như sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương và du khách thập phương.

Xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025- Ảnh 2.

Hình ảnh cắt băng khánh thành tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình - Chùa Bồng Mạc

Lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm nay được tổ chức theo nghi thức đại lễ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 6 đến 9/4 (tức ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch), gồm 2 phần chính là phần Lễ và phần Hội. Phần lễ gồm tế lễ và lễ rước kiệu. Phần Hội với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao và nhiều trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, hát quan họ dưới thuyền, bịt mắt bắt vịt, đánh đu, …thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân trong và ngoài xã Liên Mạc.

Lễ hội là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật của nhân dân thôn Bồng Mạc. Đó là sự thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, về giải trí. Đó là nhu cầu giao lưu, học hỏi, là sự đoàn kết. Quan trọng nhất là nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Qua việc tổ chức lễ hội, giúp chúng ta nhìn thấy ước mơ, nguyện vọng của cả một cộng đồng hướng về những điều tốt đẹp.

Một vài hình ảnh tại Lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025:

Xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025- Ảnh 3.

Xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025- Ảnh 4.

Xã Liên Mạc tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình - Chùa Bồng Mạc và khai mạc lễ hội Đình - Chùa Bồng Mạc năm 2025- Ảnh 5.