Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn
Mỗi ngày, bộ phận "một cửa" UBND huyện Mê Linh tiếp nhận hằng trăm lượt người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính. Từ khi triển khai hình thức thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt đã giúp quá trình giải quyết thủ tục hành chính diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, an toàn.
Anh Nguyễn Khắc Hòa, xã Kim Hoa đến làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chia sẻ: "Trước đây, tôi phải cầm tiền mặt đi làm thủ tục. Bây giờ, chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR để thanh toán, rất nhanh chóng, thuận lợi và an toàn,".
Tại xã Thạch Đà, phần lớn người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" đều đồng thuận sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ ngày 01/6/2024 đến nay, bộ phận "một cửa" UBND xã đã tiếp nhận 282/282 hồ sơ thực hiện nộp phí, lệ phí bằng hình thức không dùng tiền mặt.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đà Lưu Ngọc Dũng cho hay, phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích đối với cả công dân và UBND xã. Hình thức này không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, hạn chế rủi ro khi mang theo tiền mặt mà còn giúp cán bộ, công chức giảm thiểu nhầm lẫn, sai sót trong quá trình giao dịch và bảo quản tiền mặt. Hơn nữa, tiền phí, lệ phí thu được chuyển vào hệ thống ngân hàng nên đảm bảo công khai, minh bạch và thuận tiện.
Còn tại xã Tam Đồng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Huỳnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội và UBND huyện Mê Linh về việc triển khai thực hiện phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận "một cửa", UBND xã đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, Trang thông tin điện tử; đồng thời chỉ đạo cán bộ, công chức tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi thanh toán phí, lệ phí. Kết quả, từ ngày 01/6 đến nay, tỷ lệ hồ sơ thực hiện thanh toán các loại phí, lệ phí không dùng tiền mặt của xã đạt 60%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận "một cửa" trên địa bàn Thành phố; UBND huyện Mê Linh đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận "một cửa" trên địa bàn Huyện.
Theo đó, UBND Huyện giao trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc Huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai ngay các giải pháp thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại bộ phận "một cửa" trên địa bàn từ ngày 1/6/2024. Bố trí lực lượng tại bộ phận "một cửa" để hướng dẫn, hỗ trợ công dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thiết bị hỗ trợ khác. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; Cổng Thông tin điện tử Huyện và Trang Thông tin điện tử các xã, thị trấn; thông báo công khai tại các bộ phận "một cửa" Huyện và UBND các xã, thị trấn để công dân biết, chủ động thực hiện.
Sau một tháng triển khai thực hiện, việc thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các bộ phận "một cửa" đã các phòng, ban, đơn vị chức năng và UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc và được đa số công dân, doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng.
Kết quả, tại bộ phận "một cửa" Huyện và 09 xã, thị trấn có tỷ lệ hồ sơ thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức không dùng tiền mặt đạt 100% (gồm: Quang Minh, Kim Hoa, Thanh Lâm, Tự Lập, Tiến Thịnh, Chu Phan, Thạch Đà, Tráng Việt, Mê Linh). Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng đạt kết quả khá như: Xã Hoàng Kim đạt 95%, xã Vạn Yên đạt 70%, xã Tam Đồng đạt 60%;…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" trên địa bàn huyện Mê Linh mặc dù kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tại một xã, thị trấn vẫn còn khó khăn, vướng mắc như: Một số ít người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt; công dân cao tuổi chưa có tài khoản ngân hàng hoặc có nhưng chưa biết cách sử dụng ứng dụng để thanh toán trực tuyến; nhiều trường hợp số tiền phí rất thấp (chỉ từ vài nghìn đồng) trong khi tài khoản của công dân không cho phép chuyển khoản số tiền dưới 10 nghìn đồng;… Vì những khó khăn trên mà tỷ lệ thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương chưa đồng đều, vẫn còn một số xã, thị trấn có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chưa cao.
Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lê Văn Khương cho biết, thời gian tới UBND Huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đối với các địa phương có tỷ lệ thấp; yêu cầu UBND các xã tập trung quyết liệt, khắc phục khó khăn, vương mắc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% hồ sơ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại bộ phận "một cửa".
Trao đổi với phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Ngô Văn Trung cho biết: Để hoàn thành mục tiêu 100% giao dịch thanh toán phí, lệ phí liên quan thủ tục hành chính không dùng tiền mặt, UBND xã bố trí cán bộ trực tại bộ phận "một cửa" hỗ trợ tối đa những trường hợp chưa có tài khoản ngân hàng hoặc điện thoại thông minh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp về các phương thức thực hiện hình thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa".
Cán bộ UBND xã Tiền Phong hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức quét mã QR "động".
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông Lưu Văn Chí cho hay, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính; UBND thị trấn cũng phối hợp với các ngân hàng hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản cho công dân; qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại địa phương.
Được biết, để chủ trương không dùng tiền mặt tại bộ phận "một cửa" mang lại hiệu quả cao, trong tháng 5/2024, UBND thành phố Hà Nội đã giao Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm hướng dẫn quy trình thực hiện thanh toán phí, lệ phí bằng mã QR động tại bộ phận "một cửa" để các đơn vị, địa phương nghiên cứu, áp dụng, bảo đảm quy định và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Ngay sau khi Thành phố ban hành hướng dẫn quy trình chuẩn, UBND Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn triển khai áp dụng tại các bộ phận "một cửa" trên địa bàn.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương; những khó khăn, bất cập sẽ sớm được khắc phục để chủ trương không dùng tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" các cấp trên địa bàn huyện Mê Linh tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số; từng bước xây dựng, hoàn thiện nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ Nhân dân./.