Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: Xác định đây là lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn huyện, là dịp để thu hút du khách trong và ngoài nước biết đến Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng và Mê Linh, lễ hội năm 2024 tại huyện Mê Linh dự kiến sẽ là lễ hội mang tính chất đột phá từ trước đến nay. UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoạt động lễ hội được diễn ra trang trọng, thuận lợi, thành công, hiệu quả, an toàn; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương cũng như du khách thập phương đến với lễ hội Mê Linh năm 2024.
UBND huyện chủ trương đưa sản phẩm văn hoá mới nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của di tích; góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch tâm linh gắn với phát huy tiềm năng giá trị di sản trên địa bàn huyện. Trong đó đặc biệt là chương trình Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng Mê Linh, làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh – trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng vương và định đô.
Trong những ngày này, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, nơi diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội, đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động của Ban Quản lý Di tích Đền thờ Hai Bà Trưng đang tích cực chỉnh trang, dọp dẹp vệ sinh, bảo đảm tốt cảnh quan môi trường. Xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường thuyết minh viên, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu quảng bá, sẵn sàng phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân và du khách thập trong dịp lễ hội.
Cùng với đó, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện về sân khấu, âm thanh, ánh sáng… Các nghệ sĩ hăng say tập luyện để chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại lễ hội, các điểm check in đang được hoàn thiện hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho Nhân dân và du khách.
Chương trình lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 15/02/2024 đến hết ngày 17/02/2024 (tức từ mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024. Trong đó, chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh" được tổ chức mở màn vào tối 15/02/2024 (mùng 6 tháng Giêng Âm lịch) và con đường nghệ thuật sáng tạo "Âm vang nguồn cội" dự kiến kéo dài trong thời gian một tháng.
Chương trình là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị hai vị kiệt nữ, Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trung Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau Công nguyên. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn khơi dậy niềm tự hào trong lòng mỗi người dân đất Việt, khẳng định tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không chịu khuất phục trước kẻ thù của người Việt từ xưa đến nay.
Đây cũng là hoạt động thiết thực và ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, du khách thập phương, là dịp để nhân dân được tham quan, du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa, lịch sử vùng đất Mê Linh xưa, đời sống của nhân dân Âu Lạc buổi đầu dựng nước và giữ nước, được hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Chương trình kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm nghệ thuật, văn hóa du lịch độc đáo, mang đến một sự lựa chọn mới trong các chương trình giáo dục trải nghiệm của các trường học, các chương trình tour của các đơn vị lữ hành, tạo ra các hoạt động bên lề, các sản phẩm phái sinh để hình thành "hệ sinh thái Âu Lạc", góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tương xứng với bề dày văn hoá lịch sử của huyện.
Với sự vào cuộc chủ động và trách nhiệm cao của các phòng, ban, đơn vị và người dân, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, mà còn góp phần tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.