Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định công tác giáo dục có vai trò rất quan trọng. Trên Báo Nhân dân số 1024 ra ngày 24 tháng 12 năm 1956, Người đã viết: "Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Thời điểm năm 2004, tại huyện Mê Linh mới có 4 trường THPT nên chưa đáp ứng được nhu cầu học tập để nâng cao trình độ văn hoá của con em nhân dân khu vực phía Nam huyện Mê Linh.
Khi mới thành lập, trường hoạt động theo mô hình bán công với 05 cán bộ giáo viên trong biên chế, trong đó thầy Nguyễn Văn Bẩy được Sở GD& ĐT Vĩnh Phúc phân công giữ trọng trách làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hà Đình Quyền làm Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đội ngũ các thầy cô giáo chủ yếu ở diện hợp đồng, thỉnh giảng với 347 học sinh khối lớp 10 chia làm 8 lớp. Trường chưa có phòng học và nhà điều hành nên phải học nhờ trường THPT Mê Linh.
Nhà trường vừa tổ chức dạy học, vừa tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng trường. Dưới sự chỉ đạo UBND huyện Mê Linh, sự phối hợp của UBND xã Tiền Phong, thôn Trung Hậu, việc giải phóng mặt bằng bắt đầu được triển khai. Năm 2006, trường mới xây dựng được 02 dãy nhà với 18 phòng học, sau đó nhà điều hành mới được khởi công. Chính trong điều kiện khó khăn, tinh thần dạy và học của thầy trò nhà trường được khẳng qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006 - 2007, khóa lớp 12 đầu tiên đã đỗ tốt nghiệp100%, nhiều em đủ điểm đỗ đại học, cao đẳng.
Từ năm 2008, trường THPT Tiền Phong có những bước ngoặt quan trọng để vươn xa và phát triển. Tháng 8/ 2008, thành phố Hà Nội mở rộng địa giới để xứng tầm với vị thế Thủ đô của cả nước, huyện Mê Linh được sáp nhập trở lại về Hà Nội. Trường Bán công Tiền Phong chuyển đổi mô hình sang trường công lập, mang tên trường THPT Tiền Phong cho đến nay. Qui mô nhà trường không ngừng được mở rộng, số lớp học tăng lên theo các năm, đến nay đã có 31 lớp; số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế 68 người, đều đạt chuẩn và trên chuẩn.
Trong 10 năm từ 2010 – 2020, trường THPT Tiền Phong có nhiều chuyển biến cả chất lượng đội ngũ và kết quả dạy và học. Thầy giáo Dương Văn Thuần được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội điều động về giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Chi bộ Đảng, BGH nhà trường quyết tâm đổi mới toàn diện nhà trường. Với bề dày kinh nghiệm của một nhà quản lý tâm huyết với nghề, thầy Hiệu trưởng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Có 15 giáo viên tham gia học và nhận bằng thạc sĩ, 20 giáo viên thi chuyển ngạch từ giáo viên THPT hạng III lên hạng II. Việc đổi mới phương pháp dạy học, giao lưu chuyên môn với nhiều trường bạn, hội thảo chuyên đề... được duy trì thường xuyên. Có 62 lượt giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 03 Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 01 Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Thành phố và nhiều giáo viên dạy giỏi cấp cụm. Chất lượng mũi nhọn cũng đạt những kết quả đột phá. Thi học sinh giỏi cấp Thành phố có 02 giải Ba, 06 giải Khuyến khích và nhiều giải cấp cụm. Lĩnh vực TDTT đạt 05 huy chương vàng, 03 huy chương bạc và 04 huy chương đồng trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, nhà trường phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế, hướng tới tương lai. Tháng 8/2020 thầy giáo Nguyễn Quốc Nam về nhậm chức Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý được hoàn thiện với 03 đồng chí. Với quyết tâm xây dựng ngôi trường THPT Tiền Phong có vị thế, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân quê hương Mê Linh anh hùng và niềm tin tưởng của cha mẹ học sinh khu vực Mê Linh – Đông Anh, Chi bộ Đảng, BGH và toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên đã xây dựng những kế hoạch, vạch ra những đường hướng và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng mọi mặt của nhà trường.
Từ năm 2020 đến năm 2024 trường Tiền Phong có những bước tiến mạnh mẽ, đưa vị thế của ngôi trường non trẻ sánh vai với các trường trong cụm và trên toàn thành phố. Thi giáo viên dạy giỏi và bồi dưỡng học sinh giỏi là hoạt động chuyên môn sôi nổi để nâng cao trình độ cho cả giáo viên và học sinh, qua mỗi năm dự thi, thành tích của thầy và trò dần được nâng cao. Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp cụm cấp thành phố đều có giáo viên đạt giải. Kết quả thi HSG: lần đầu tiên có giải Nhất cấp thành phố và giải Nhất thi Olimpic cụm Mê Linh- Sóc Sơn môn Ngữ văn năm 2024 và nhiều giải ở nhiều môn khác.
Hoạt động thi đua học tốt, giao lưu chuyên môn giữa các trường, chuyên đề của các tổ chuyên môn Ngữ văn, Toán Tin, Tiếng Anh, Khoa học xã hội đã nâng cao trình độ cho giáo viên và học sinh. Các hoạt động thể thao, văn hóa là bước tiến mạnh mẽ với 15 chuyên đề của các lớp trong mỗi năm hoc giúp nâng cao kỹ năng sống và phát huy năng lực của hs; giao lưu thể thao với trường THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Vân Nội, THPT Mê Linh, THCS Tiền Phong và Công an xã Tiền Phong...đã giúp thắt chặt mối quan hệ với các trường bạn.
Đặc biệt trong năm học 2023 – 2024 có 17 giáo viên nhân viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Có 06 thầy cô được Hội Chữ thập đỏ thành phố tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo. Đoàn trường Tiền Phong được Trung ương Đoàn và Thành Đoàn tặng Bằng khen, 02 cá nhân các thầy cô được Thành Đoàn tặng Bằng khen. Chi bộ Đảng trường THPT Tiền Phong nhiều năm liền đạt Hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay có 51 đảng viên, là chi bộ Đảng có số đảng viên nhiều nhất trong các chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện Mê Linh, tháng 5 năm 2024, chi bộ đã kết nạp cho 02 quần chúng là những học sinh ưu tú lớp 12 vào hàng ngũ của Đảng, đây cũng là 02 đảng viên là học sinh THPT đầu tiên của huyện Mê Linh.
Để ghi nhận sự đóng góp trong suốt 20 năm xây dựng nhà trường, ngày 18/10/2024, Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định số 2958/QĐ- BGDĐT tặng Bằng khen cho Trường THPT Tiền Phong đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường. Có 04 cá nhân cũng vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD &ĐT tặng Bằng khen gồm: Thầy giáo Tạ Đăng Khoa- Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường; Thầy giáo Tạ Tĩnh giáo viên dạy môn Thể dục; Cô giáo Đặng Thị Phương Lan - Tổ trưởng Ngữ văn – Nghệ thuật, Cô giáo Hồ Thị Lệ - giáo viên dạy môn Ngữ văn, Cô giáo Hoàng Thị Duyên – Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ - Thư viện.
Trong những năm tới, nhà trường đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Những đòi hỏi về sự đổi mới trong công tác quản lý nhà trường, sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay đổi cách thi từ năm 2025 sẽ là những thử thách đặt ra với các cấp quản lý và tâp thể giáo viên, nhân viên toàn trường để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đã đề ra "Đoàn kết – Năng động - Thích ứng - Sáng tạo - Phát triển".
Với kinh phí đầu tư gần 156 tỷ đồng của thành phố Hà Nội và UBND huyện Mê Linh, nhà trường sẽ được xây dựng khang trang, đồng bộ, tương lai sẽ trở thành ngôi trường hiện đại nhất huyện Mê Linh. Khi những thiếu thốn về mặt cơ sở vật chất được giải quyết sẽ đáp ứng được mục tiêu dạy và học của thầy và trò nhà trường, tạo sức hút với các thế hệ học sinh và niềm tin tưởng của các bậc cha mẹ học sinh. Chi bộ, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ kế thừa những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua và quyết tâm xây dựng ngôi trường THPT Tiền Phong trở thành địa chỉ giáo dục đáng tin cậy trên địa bàn huyện Mê Linh, Đông Anh, đóng góp vào thành quả chung của ngành Giáo dục Thủ đô.