Cuộc thi viết với chủ đề "Mê Linh trong tôi" nằm trong chỗi các hoạt động thiết thực chào mừng huyện Mê Linh đón nhận huyện Nông thôn mới năm 2022. Đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội rộng lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại huyện. Sau hơn một tháng triển khai thực hiện, cuộc thi thành công trên cả 3 phương diện: Số lượng bài thi, đối tượng tham gia dự thi và chất lượng bài dự thi.
Mặc dù được tổ chức lần đầu, thời gian không dài, chỉ 40 ngày (từ ngày 15/10/2022 đến ngày 25/11/2022), nhưng cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng xã hội sâu rộng, thu hút được 23.011 bài tham gia. Với số lượng bài dự thi cho thấy, cứ 10 người dân Mê Linh có 01 người tham gia dự thi. Đối tượng dự thi đủ các thành phần, lứa tuổi khác nhau, từ các cháu học sinh 8 tuổi đến cụ già 95 tuổi. Đặc biệt, cuộc thi đã thu hút được các tác giả là những người con xa quê và các nhà thơ, nhà văn, nhà báo ở các tỉnh, thành khác cũng gửi bài dự thi, như: Đồng Nai, Bình Định, Quảng trị, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội (như huyện Ứng Hòa, Đan Phương; quận Cầu Giấy, Hoàng Mai,…).

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy và đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trao thưởng cho các tác giả đạt giải
Qua 02 vòng Sơ khảo và Chung khảo theo hình thức chấm độc lập, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, quy trình chặt chẽ, khách quan, công tâm, Ban Giám khảo đã chọn ra được 36 bài tiêu biểu, xuất sắc nhất để trao giải, gồm 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 07 giải Ba và 25 giải khuyến khích. Từ kết quả chấm thi cho thấy, đa số các tác giả dự thi đều bám sát nội dung, chủ đề đặt ra, chấp hành tốt Thể lệ Cuộc thi. Phần lớn các bài dự thi đều có chất lượng chuyên môn khá, đảm bảo về nội dung và hình thức, thể hiện tốt tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với cuộc thi.
Ai đó từng nói "điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim". Vì lẽ đó, cuộc thi viết "Mê Linh trong tôi" đã nhận về những bài viết chất lượng, chân thực, cảm xúc, thỏa mãn nỗi nhớ, niềm tự hào về quê hương. Đặc trưng nổi bật của những cây bút không chuyên trong cuộc thi này là lối tư duy cụ thể, chất phác, lấy sự chân thành, cảm xúc làm hồn cốt cho mỗi bài dự thi; thậm chí là rất thật thà, có sao nói vậy, đôi khi có những chi tiết khiến cho những người cầm bút chuyên nghiệp cũng cảm thấy giật mình, vì những góc nhìn tưởng như quen thuộc, hóa ra lại rất lạ lẫm qua góc nhìn mới, sắc thái riêng của những người viết nghiệp dư. Đây là điểm cộng cho sự thành công của Cuộc thi.
Ấn tượng đầu tiên về chất lượng Cuộc thi là mạch nguồn cảm xúc. Các tác giả đến từ nhiều địa chỉ khác nhau, với đề tài khác nhau, những nỗi niềm khác nhau, nhưng tất thảy đều từ "lòng thực, tình thật" về tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất, con người Mê Linh. Mỗi bài dự thi đều mang những thông điệp cụ thể, giá trị riêng, giống như là một chiếc "thẻ nhớ" lưu giữ những suy tư, cảm xúc, hoặc những hình ảnh, ký ức đẹp về một thời đã qua. Ở đấy, ta bắt gặp rất nhiều thang bậc cảm xúc, với độ dày, mỏng khác nhau, từ quá khứ đến hiện tại, từ bóng dáng ngôi làng xưa đến những cảnh vật, con người cụ thể hôm nay, tất cả đều mang vẻ đẹp bình dị, nhưng ẩn chứa trong đó bao điều kỳ diệu. Đó là truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, phong tục tập quán của địa phương. Đó là hình ảnh "cây đa, giếng nước, sân đình", những "mảnh hồn làng" năm xưa đang biến thiên theo quá trình đô thị hóa nông thôn. Đó là hình ảnh làng quê dung dị, ấm áp, nghĩa tình "tắt lửa tối đèn có nhau". Đó là nỗi nhớ nao lòng về lời ru của mẹ, về cánh diều tuổi thơ, về lễ hội truyền thống của các làng quê. Đó là con đường làng, cánh đồng lúa ngút ngàn cho đến khu công nghiệp Quang Minh hối hả vào ca. Đó là bác bảo vệ, chị lao công, người nông dân quanh năm "chân lấm, tay bùn", "dãi nắng dầm mưa" cho đến hình ảnh cha mẹ, thầy cô giáo,… tất cả hiện lên rất đẹp và chân thành. Chân thành đến mức mộc mạc. Đây chính là điểm cộng nữa cho sự thành công của Cuộc thi.
Một thực tế, phàm cái gì lần đầu đều có tính đặc thù. Tính đặc thù của Cuộc thi viết văn xuôi lần đầu tiên này chính là sức bật của cảm xúc. Tình yêu quê hương bao năm qua được nuôi dưỡng, bồi đắp, dồn nén, tạo thành những "vỉa" cảm xúc chồng cất lên nhau đến mức căng phồng, chật cứng. Khi cuộc thi được phát động, như "giọt nước tràn ly", cảm xúc về quê hương có cơ hội để bung tỏa, vỡ ra thành những con chữ chảy đều trên từng trang giấy. Chính vì vậy, hơn 2 vạn bài dự thi là hơn 2 vạn tấm lòng yêu thương dành cho quê hương Mê Linh. Tình yêu ấy đủ lớn về mặt nhận thức, đa dạng về cảm xúc.
Ở những lứa tuổi khác nhau, ngành nghề khác nhau, mỗi bài viết mang cảm xúc riêng, khắc họa khá thành công vẻ đẹp quê hương; chia sẻ những kỷ niệm, sự gắn bó với mảnh đất này bằng ân nghĩa sâu nặng, ấm áp tình người, bằng cảm thức đẹp, xúc động và nhân văn. Điểm đáng ghi nhận ở Cuộc thi này bắt đầu từ cảm xúc trong veo, hồn nhiên, dí dỏm, chân thật, được viết nắn nót trên những trang giấy trắng tinh khôi của các em học sinh tiểu học, THCS, đến những tiếng đồng vọng từ miền ký ức của các em học sinh THPT. Ai đó từng nói: "Quê hương là thứ vô hình, khó định nghĩa và khó có được một cách cụ thể, rõ ràng". Nhưng quê hương trong các bài dự thi của các em học sinh lại hiện lên chân thật, rõ mồn một từng đường nét về quê hương. Tuy lời văn chưa thật hay, chưa cô động, lưu loát, hàm súc về câu chữ, nhưng giá trị rung động về quê hương là có thật. Những tên làng, tên xã, mái trường, thầy cô, bè bạn… được các em học sinh tha thiết đưa vào bài dự thi như một niềm tự hào về quê hương. Vẫn mạch nguồn ấy, nhưng với sự từng trải, già dặn của các thầy cô giáo, của các tác giả đã trưởng thành trong các môi trường công tác, cảm xúc đằm sâu hơn, thể hiện ở góc nhìn mới, sắc thái riêng, tạo bất ngờ với người đọc về bản sắc của quê hương từ nét ăn, nếp ở, phong tục tập quán, cảnh đẹp thiên nhiên đến truyền thống văn hóa, lịch sử mang đặc trưng riêng của Mê Linh mà không nơi đâu có được, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, sinh động, sâu sắc, đáp ứng phần nào sự quan tâm của độc giả. Ở đây, ta khoan bàn tới góc độ thẩm mỹ của văn chương, có thể bài viết chưa thực sự nổi bật về bút pháp và ngôn từ; cảm xúc mới dừng lại ở lý trí, chưa chạm đến trái tim, nhưng đó là tình cảm máu thịt với quê hương.
Nói về quê hương, nhà thơ nổi tiếng người Nga là Gamzatov đã từng khẳng định: "Có thể bứt con người ra khỏi quê hương, nhưng không thể bứt quê hương ra khỏi con người". Câu nói này rất đúng trong các bài dự thi của những người con Mê Linh đang làm việc, sinh sống ở xa quê. Trên bước đường ngược xuôi cơm áo, đứng giữa trời đất xa lạ, những người con xa quê ấy thấy lòng mình "chênh chao", "chùng chình", chơi vơi, quá khứ - hiện tại, quê nhà - quê người, tất cả như một bộ phim quay chậm đan xen, hòa quyện vào nhau, trĩu nặng trong lòng. Có xa quê mới thấm thía vị đời và tình đời sâu nặng đến thế, mới cảm được cái diệu kì mơ hồ mà hiện hữu nơi sâu thẳm lòng người. Tuy lời văn không trau chuốt công phu, không kỳ công gọt giũa, nhưng hồn vía quê hương vẫn thấp thoáng trong từng mạch chữ. Chính vì vậy, hàm lượng cảm xúc vượt qua chất lượng bài dự thi. Nếu đặt câu thơ "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn" của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ "Tiếng hát con tàu" vào vị trí tâm trạng của tác giả xa quê trong Cuộc thi này là rất phù hợp.
Một thành công nữa của cuộc thi, là tạo kết nối về cảm xúc. Cuộc thi không chỉ là cơ hội để cho những người con của Mê Linh bày tỏ cảm xúc về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình, mà còn thu hút được những công dân không phải là người địa phương đang sinh sống, công tác, học tập trên địa bàn huyện cũng tham gia viết bài dự thi. Không biết các tác giả có duyên với Mê Linh, hay chính Mê Linh tạo nên cái duyên kỳ diệu ấy. Bằng ngôn từ giản dị, mạch lạc, được chắt chiu từ những điều nhỏ bé, mắt thấy tai nghe, các tác giả diễn tả những cung bậc cảm xúc vừa chân thật, vừa vời vợi một tình yêu đối với Mê Linh - quê hương thứ hai của mình. Nơi đây, không chỉ đẹp, bình yên, mà còn gắn liền với những kỷ niệm, con người mà họ từng mang trong lòng nghĩa nặng, tình sâu. "Đất lành, chim đậu", họ đã bén duyên mảnh đất này, tình yêu ấy đủ lớn để biến "đất lạ hóa quê hương".
Sẽ thật thiếu sót, nếu nói Cuộc thi thành công mà không nhắc đến các bài dự thi đạt giải. Đặc trưng của cuộc thi là đề tài mở, ở lĩnh vực văn xuôi, rất khó để viết hay, song Ban tổ chức khá bất ngờ về chất lượng các bài dự thi. Điểm nổi bật của các bài đạt giải Cuộc thi là có sự đầu tư công phu về thời gian, công sức, trí tuệ để tìm hiểu, sưu tầm các tài liệu, tư liệu tranh ảnh minh họa sinh động, tạo nên những hình thái, sắc màu khác nhau, nhưng cùng chung một nỗi niềm thiết tha, yêu mến về mảnh đất, con người Mê Linh. Một số bài dự thi vượt ra khỏi bài văn miêu tả thông thường, không chỉ đơn thuần là những tản mạn, chia sẻ theo kiểu "dây cà ra dây muống", mà đã ít nhiều chạm vào "ngõ văn chương", mở ra những cái nhìn rất xa về quá khứ với cảm xúc bâng khuâng, nỗi niềm thiết tha về mảnh đất trữ tình đáng nhớ, đáng khắc ghi. Đó không phải là nỗi nhớ vu vơ, mà là khát vọng, là mong muốn huyện Mê Linh ngày càng giàu đẹp, trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.
Cuộc thi nào cũng có mục đích, yêu cầu và các tiêu chí đánh giá cụ thể của nó. Đó là tìm cho ra được những bài viết hay nhất, xuất sắc nhất để tổ chức trao giải thưởng. Trong Cuộc thi này, có bài được giải, có bài không, nhưng tất cả đều chiến thắng, vì ai cũng góp phần khắc họa nên một hình ảnh Mê Linh tươi đẹp, được trải lòng, thể hiện "cái tình" dành cho quê hương thân yêu của mình.