Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà. Tham dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã...
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Mê Linh có đồng chí Phó Bí thư Thưởng trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Anh Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện; Trưởng các ban, phòng, ngành, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện; Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Mê Linh.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh đã trình bày báo cáo về việc triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận 128- KL/TƯ ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ.
Theo đó, về nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ngoài các nguyên tắc chung, Hà Nội xác định một số nguyên tắc riêng của Thủ đô để bảo đảm việc thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Thành phố sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để bảo đảm tính lâu dài; tổ chức lại các đơn vị hành chính có tính đến yếu tố quy hoạch cả cho hiện tại, tương lai, theo định hướng phát triển: Hai đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương... Thành phố cũng xác định phải bảo đảm giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu, đảo đảm được chức năng của từng địa phương và bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa của phố phường của kinh thành Thăng Long xưa...
Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với hiện nay. Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỷ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại báo cáo về công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính.
Tiếp đó, hội nghị tiến hành thảo luận về một số nội dung như: Tăng cường quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính; việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh điều hành thảo luận tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành thành phố trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự đồng thuận, thống nhất để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra, nhất là về sắp xếp đơn vị hành chính, tăng cường quản lý đất đai và số hóa tài liệu.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã giao Đảng ủy UBND thành phố chủ trì công việc này, chủ trương là xây dựng phương án sắp xếp phải bảo đảm vừa đúng chỉ đạo của Trung ương, vừa giữ được những đặc trưng văn hóa, lịch sử của Thủ đô, đồng thời, bảo đảm không gian phát triển tốt nhất gắn với quy hoạch cho từng địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, thống kê tổng thể đội ngũ cán bộ toàn thành phố, làm căn cứ để thực hiện việc phân công, bố trí, sắp xếp công việc phù hợp, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện về công tác cán bộ. Các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu và đề xuất về công tác cán bộ cấp xã với tinh thần công tâm, khách quan, tuyệt đối không để xảy tiêu cực trong việc phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ.
Về việc số hóa tài liệu, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý, đây là việc rất quan trọng, phải làm thật tốt, vừa để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, vừa bảo quản, giữ gìn, tránh thất thoát, mất mát, lộ lọt tài liệu.
Đối với công tác quản lý đất đai (đặc biệt là đất công) và công tác quản lý trật tự xây dựng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng "tranh tối tranh sáng" hay khoảng trống quản lý. Đồng thời nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này không chỉ là thước đo năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm và danh dự của tập thể, cá nhân ở địa phương và của cả thành phố, mà còn là căn cứ để thành phố đánh giá cán bộ, qua đó, thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian tới.