Khi Bí thư, Chủ tịch xã không phải là người địa phương

Chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã được huyện Mê Linh triển khai đồng bộ. Qua đó, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, nhất là ở những địa bàn nổi cộm, phức tạp.

Luồng gió mới cho cơ sở

Nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy, rồi Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh, tháng 8/2022, đồng chí Bùi Quốc Tuấn được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt. Ông chia sẻ: Gắn bó với quê hương Đại Thịnh lâu năm cũng có nhiều thuận lợi, vì nắm rõ phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân, nhưng trong quá trình giải quyết công việc vẫn có "cái khó" vì mối quan hệ họ hàng, làng xóm,...

Khi Bí thư, Chủ tịch xã không phải là người địa phương - Ảnh 1.

Đ/c Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy làm việc với Đảng ủy xã Tráng Việt.

Khi được phân công về làm Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt, ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ bởi địa bàn mới, đội ngũ cán bộ mới, lại chưa thông hiểu tâm tư, tình cảm của đảng viên và Nhân dân. Hơn nữa, Tráng Việt được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa vào diện củng cố do có những nổi cộm về đất đai, trật tự xây dựng và đơn thư, khiếu nại, tố cáo;… Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ được giao, khi về công tác tại Tráng Việt, xác định việc khó thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nên hàng tuần đồng chí Bùi Quốc Tuấn đều dành thời gian xuống cơ sở, nắm bắt địa bàn, gặp gỡ cán bộ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; tổ chức đối thoại với Nhân dân để lắng nghe nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người dân. Mọi công việc đều được công khai, minh bạch, có sự bàn bạc, thống nhất trong Đảng ủy mới triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Huyện ủy Mê Linh nhìn nhận, chính vì không phải là người địa phương nên Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt Bùi Quốc Tuấn đã rất "xông xáo" trong chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề nóng tại địa phương. Việc giải tỏa thành công 18 trường hợp, với 20 thửa đất có diện tích 53.531,8m2 tại khu vực Ao Cá, thôn Đông Cao kéo dài hơn 20 năm (vào tháng 4/2023) là ví dụ rõ nét nhất. Bên cạnh đó, tình trạng đơn thư, khiếu kiện trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Đảng bộ xã phấn đấu cuối năm 2023 sẽ được Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đề nghị Thành ủy Hà Nội đưa ra khỏi diện củng cố.

Tương tự, trước năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của xã Tiền Phong chưa thể bứt phá và chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế. Đảng bộ xã bị đưa vào diện phải củng cố, nhiều năm bị xếp loại yếu kém.

Nhìn rõ "điểm nghẽn" này, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đã quyết định điều động 03 lượt đồng chí lãnh đạo cấp Phòng của Huyện về làm Bí thư Ðảng ủy xã Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiền Phong. Nhân sự mới, nhiệt huyết mới cùng cách làm bài bản, quyết liệt đã giúp địa phương này có nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, những vi phạm mới liên quan đến đất đai trên địa bàn xã được chỉ đạo giải quyết triệt để; các vi phạm cũ được thống kê, rà soát và có kế hoạch xử lý theo lộ trình.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc nên đã hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, tình hình an ninh chính trị dần đi vào ổn định. Đảng bộ xã ban hành nhiều Nghị quyết trúng và đúng, đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập các thành phần kinh tế của xã đạt xấp xỉ 630 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người của xã hiện đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Ngô Văn Trung cho biết: "Thời gian đầu, cá nhân tôi cũng gặp những khó khăn, bỡ ngỡ bởi vai trò, nhiệm vụ mới, địa bàn mới nhưng với quyết tâm hoàn thành thật tốt công việc được tín nhiệm giao phó, bản thân tôi luôn cố gắng, tranh thủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên trong xã; chủ động nắm rõ tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên để tranh thủ quy tụ được sức mạnh của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy. Từ đó đưa ra được các chủ trương, kế hoạch đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương."

Tiền Phong, Tráng Việt chỉ là hai trong số hàng chục địa phương có chuyển biến rõ nét từ chủ trương bố trí, sắp xếp lãnh đạo chủ chốt cấp xã không phải người địa phương của Huyện ủy Mê Linh.

Môi trường để cán bộ rèn luyện, trưởng thành

Công tác cán bộ là gốc của mọi công việc. Thực tế tại các nơi để xảy ra sai phạm, nội bộ mất đoàn kết hầu hết đều do năng lực cán bộ không đáp ứng yêu cầu. Nhận diện rõ những hạn chế này và thực hiện Quy định số 07-QÐ/TU ngày 17/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố"; Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh chú trọng luân chuyển cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển.

Trong đó, chú trọng luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Huyện về làm Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn; đồng thời luân chuyển lãnh đạo chủ chốt giữa các xã, thị trấn với nhau.

Khi Bí thư, Chủ tịch xã không phải là người địa phương - Ảnh 2.

Đ/c Nguyễn Thanh Liêm- Bí thư Huyện ủy phát biểu tại Hội nghị công bố các Quyết định về việc điều động, luân chuyển cán bộ.

Để công tác điều động, luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt cụ thể yêu cầu về công tác luân chuyển. Tính đến nay, toàn Huyện đã có 16/18 xã, thị trấn (Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tiền Phong, Tráng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê, Thạch Đà, Tam Đồng, Tự Lập, Tiến Thịnh, Liên Mạc, Chu Phan, Vạn Yên, Tiến Thắng, Quang Minh, Chi Đông) bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương (chiếm tỷ lệ 89%). Trong đó, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND 02 xã Tiền Phong và Hoàng Kim đều là lãnh đạo cấp phòng của Huyện được điều động về. Ðiều đáng nói là tất cả những xã sau khi luân chuyển, điều động đều đạt kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nội bộ đoàn kết hơn.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lỗ Xuân Hòa: Trước đây, khi được điều động, một số cán bộ thường lấy hết lý do này đến lý do khác như tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, xa nhà, đi lại không tiện; trong khi quen thuộc địa bàn, gắn bó nhiều năm với chỗ cũ,... để từ chối. Tuy nhiên, Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn để cán bộ "thông tư tưởng" rồi mới làm quy trình.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm cho biết: Qua thực tế cho thấy, những cán bộ được điều động, luân chuyển làm lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn thời gian qua đã phát huy được vai trò, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại địa phương. Hơn nữa, những cán bộ được luân chuyển hầu hết đều là những người có trình độ năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện ở cơ sở nên đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết trong tập thể Cấp ủy, Chính quyền, góp phần quan trọng vào sự bứt phá của địa phương, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Kết quả đó đã cho thấy đây là chủ trương đúng, nên làm và phải làm để góp phần củng cố mạnh mẽ hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; là môi trường đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ trưởng thành nhanh hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới Huyện ủy Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chủ trương luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, Ủy ban kiểm tra các cấp sẽ giám sát về việc này để các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, không còn tình trạng né tránh đùn đẩy, "dĩ hòa vi quý". Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Huyện ủy cũng tham mưu tích cực triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chủ động nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tới, với mục tiêu tạo chuyển biến đột phá hơn từ cơ sở./.