Nét văn hóa trong hội vật cổ truyền trên quê hương Chi Đông

Từ xưa đến nay, đấu vật là một trò chơi dân gian xuất hiện ở hầu hết các làng, xã tại Việt Nam. Đấu vật dần trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Việt trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo Hương Lục của cụ Nguyễn Án (người viết Hương lục Làng Chi Đông,  sinh năm 1733, đỗ cử nhân nhận chức Mậu Lâm Tá Lang tri huyện Bình Tuyền nay là Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) , Hội vật làng Chi Đông có từ thời Lê - Tây Sơn (1786) và tiếp tục duy trì, phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật nơi đây khác biệt, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần, không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.

Nét văn hóa trong hội vật cổ truyền trên quê hương Chi Đông - Ảnh 1.

Người dân nô nức đi xem hội vật Chi Đông - Ảnh tư liệu.

Thuở xa xưa, Chi Đông là vùng đất cổ có từ lâu đời của vùng đất Kim Anh, là quê hương sinh ra Thượng thư Nguyễn Đình Mỹ - Triều Lê Thái Tông (1442) và cụ Ngô Kính Thần (không rõ năm sinh) (hiệu Ngô Tướng Công Tự Bỉnh Đạo, đỗ Tiễn Sĩ hay gọi Hoàng Giáp Quý Sửu 1493 triều Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức Thứ 24). Nơi đây địa thế bằng phẳng, rộng rãi nên được các quan của đời Trần trưng dụng làm nơi luyện tập võ thuật cho quân lính triều đình. Chi Đông là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi sản sinh ra những nhân tài, những người con võ trí song toàn.

Người chiến thắng trên các sới vật là người khỏe nhất, thông minh nhất. Các đô vật đều xuất thân là các trai tráng trong làng, quanh năm gắn liền với việc đồng áng, những lúc rảnh rỗi, họ thường rủ nhau tập dượt võ thuật hay đọ sức qua đấu vật. Nhiều đô vật cũng trưởng thành từ thời chăn trâu, làm đồng, họ nghĩ ra nhiều "miếng" vật độc, lạ để quật ngã đối thủ và dần nổi tiếng, trở thành hội vật truyền thống của quê hương.

 Hội vật làng Chi Đông chỉ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18 tháng Giêng và có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại di tích lịch sử Văn hoá Đền - Chùa Chi Đông. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu. Hội vật làng Chi Đông về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế "lấm lưng trắng bụng", giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng. Đến nay, hàng năm, hội vật làng Chi Đông vẫn duy trì và thu hút được nhiều đô vật tài năng tham gia đấu vật.

Nét văn hóa trong hội vật cổ truyền trên quê hương Chi Đông - Ảnh 2.

Ban tổ chức điều hành giải vật Chi Đông Xuân 1934 - Ảnh tư liệu.

Nét đặc trưng của hội Vật làng Chi Đông là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.

Điều kiện đăng ký dự thi đấu khá đơn giản, không đề cao việc thắng thua mà chỉ đơn thuần là "thử sức" nên cứ đến ngày làng mở Hội Vật là trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Chi Đông thử sức, thi đấu. Đây chính là hình thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống, bởi chính người dân là chủ thể tham gia bảo tồn lễ hội.

Nét văn hóa trong hội vật cổ truyền trên quê hương Chi Đông - Ảnh 3.

Hội vật Chi Đông Xuân Quý Mão 2023.

Hội vật truyền thống Chi Đông đến nay đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa mang đậm bản sắc riêng có, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Chi Đông. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội vật Chi Đông ngày nay đã có một vài thay đổi để phù hợp với tình hình mới, nhưng không gian văn hoá xưa vẫn còn lưu lại những dấu ấn mang đậm bản sắc văn hóa về một vùng đất thượng võ. Trong tâm khảm của mỗi người dân Chi Đông, tiếng trống hội vẫn vang vọng thúc giục người dân và du khách bốn phương về với Hội Vật Chi Đông. Đó chính là những minh chứng cho một giá trị văn hóa trường tồn của hội vật truyền thống.