Cuối tháng 8/2023, Huyện tiến hành khởi công khu tái định cư xã Văn Khê, phấn đấu tháng 12/2023 sẽ đón các hộ về xây dựng nhà ở, sớm ổn định cuộc sống. Phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh đã ghi nhận ý kiến của một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Văn Khê.
*Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê: Phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng khu tái định cư.

Với tinh thần gần dân, sát dân, trong quá trình triển khai khu tái định cư, các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã thường xuyên xuống cơ sở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân. Cấp ủy, Chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất Huyện tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của người dân về xây dựng khu tái định cư; do đó, đã tạo được sự đồng thuận rất cao của người dân. Khu tái định cư xã Văn Khê không những có vị trí đẹp mà còn được thiết kế như một khu đô thị với hạ tầng điện, nước, cáp ngầm, công viên cây xanh, bãi đỗ xe, hệ thống xử lý nước thải tập trung,… đồng bộ và hiện đại nhằm đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho người dân.
*Ông Trương Văn Khoái - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê: Đường mở đến đâu, dân giàu đến đó.

Dự án đường Vành đai 4 là công trình trọng điểm của Quốc gia, được Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đều hiểu giá trị và ý nghĩa của dự án với tinh thần "Đường mở đến đâu, dân giàu đến đó". Từ khi dự án bắt đầu triển khai đến nay, tôi luôn đồng hành, hiến kế cho lãnh đạo địa phương trong quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư,.. để tạo được sự đồng thuận cao của người dân.
Bản thân tôi luôn gương mẫu trong bàn giao mặt bằng cho dự án, đồng thời tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã đồng lòng bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai đúng tiến độ Thành phố giao. Chúng tôi kỳ vọng, dự án sẽ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
*Ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức.

Thôn Khê Ngoại 2 có 199 hộ thuộc diện di dời nhà ở cùng hàng trăm hộ có đất nông nghiệp rơi vào chỉ giới tuyến đường, là thôn có số hộ phải di dời nhiều nhất của xã Văn Khê, cũng như huyện Mê Linh.
Để người dân đồng lòng bàn giao mặt bằng cho dự án, Chi bộ thường xuyên tuyên truyền đến đảng viên và Nhân dân về chủ trương, ý nghĩa của dự án cùng như những chính sách về mức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo kịp thời những băn khoăn, kiến nghị của người dân để xã, Huyện giải quyết kịp thời, không phát sinh vướng mắc lớn.
Đến nay, đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Khê Ngoại 2 đều đồng thuận, đồng lòng bàn giao mặt bằng triển khai dự án. Đến giữa tháng 9/2023, đã có 380/403 hộ trong thôn nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp với diện tích 9,8ha, đạt 94,3% diện tích; đồng thời, đã hoàn thành kê khai đất thổ cư đợt 1 đối với 199/199 hộ dân; đang tiến hành khảo sát đợt 2 đối với 172/199 hộ.
*Ông Nguyễn Quốc Khánh - Cán bộ Quân đội nghỉ hưu: Phấn khởi vì khu đất tái định cư có vị trí đẹp, hạ tầng hiện đại như một khu đô thị mini.

Là một đảng viên (từng công tác trong Quân đội đã nghỉ hưu) nên tôi luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương; đặc biệt là bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Gia đình tôi có 2000m2 đất ở (gồm đất, nhà của vợ chồng tôi; đất, nhà của con trai và nhà thờ của dòng họ) vào chỉ giới đỏ của tuyến đường. Chúng tôi rất vui mừng bởi khu đất tái định cư được bố trí ở vị trí rất đẹp, có đầy đủ hạ tầng như một khu đô thị thu nhỏ. Tôi mong Huyện ủy, UBND Huyện chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu tái định cư, để người dân chúng tôi sớm được chuyển đến nơi ở mới.
*Ông Lê Xuân Đoàn - Bệnh binh 2/3 thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê: Mong đường Vành đai 4 sớm hoàn thành để con, cháu có điều kiện sống tốt hơn.

Gia đình tôi có hơn 300m2 gồm nhà, sân, vườn, công trình phụ vào chỉ giới đường Vành đai 4. Những ngày đầu, khi nghe tin phải di dời tái định cư ở nơi khác, gia đình tôi cũng có những lo lắng, băn khoăn. Tuy nhiên, thông qua những cuộc đối thoại, trao đổi với lãnh đạo huyện Mê Linh và xã Văn Khê, những băn khoăn của gia đình đã được tháo gỡ. Khi biết gia đình sẽ tái định cư ở khu vực thôn Khê Ngoại 3, là khu đất rất đẹp, được kết nối giao thông thuận tiện với đầy đủ hạ tầng điện, nước, viễn thông, cây xanh, vườn hoa, bãi đỗ xe;.. gia đình rất yên tâm, phấn khởi. Tôi mong muốn tuyến đường Vành đai 4 sẽ nhanh chóng hoàn thành, giúp kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong tương lai, để con cháu sau này có điều kiện sống tốt hơn.
*Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Người dân thôn Khê Ngoại 3, xã Văn Khê: Mong Nhà nước quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.

Gia đình tôi có 248m2 đất rau xanh trước đây chuyên trồng hoa hồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Khi Nhà nước có chủ trương làm đường Vành đai 4, tất cả các thành viên trong gia đình đều đồng thuận, nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng ngay từ những đợt đầu. Chúng tôi rất phấn khởi vì đã đóng góp cùng Nhà nước triển khai dự án trọng điểm, tạo điều kiện cho quê hương, đất nước phát triển. Ban đầu tôi cũng có chút tâm tư vì số tiền bồi thường chỉ bằng thu nhập 2-3 năm trồng hoa của gia đình. Song, chúng tôi đã được cán bộ thôn, xã giải thích, phân tích về lợi ích lâu dài của tuyến đường nên tôi đã hiểu và ủng hộ việc dự án triển khai. Tôi mong muốn Nhà nước quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp để những người trung tuổi như chúng tôi có điều kiện ổn định cuộc sống.
*Ông Lưu Văn Bản- Người dân thôn Khê Ngoại 3, xã Văn Khê: Mong muốn được học một nghề phù hợp để ổn định cuộc sống.

Để phục vụ dự án đường Vành đai 4, gia đình tôi đã 2 lần bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 230m2. Gia đình đã đồng thuận nhận gần 200 triệu đồng tiền bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Chúng tôi hiểu rằng, dự án không chỉ mang lại lợi ích cho chính địa phương mình, mà còn là điều kiện thuận lợi để huyện Mê Linh phát triển, góp phần vào sự bứt phá chung của Thủ đô. Tuy nhiên, năm nay đã 55 tuổi nên việc chuyển đổi nghề nghiệp không dễ dàng. Do vậy, tôi mong các cấp Chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để tôi được học một ngành nghề phù hợp như chăm sóc cây cảnh hay làm bảo vệ để có việc làm, ổn định cuộc sống.