Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, chung sức xây dựng quê hương Mê Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh

07/05/2024 | 18:09

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, quân và dân huyện Mê Linh đã đóng góp nhiều sức người, sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Phát huy tinh thần và hào khí của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Mê Linh hôm nay tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tích cực đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua phương án tác chiến mùa xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các địa phương được giao nhiệm vụ chủ động, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nhằm chi viện tối đa nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến này.

Nhận được lệnh của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Huyện ủy Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đã tập trung cao nhất mọi nguồn lực phục vụ cho Chiến dịch. Hàng nghìn tân binh, thanh niên xung phong, dân công đã nô nức lên đường ra tiền tuyến.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, chung sức xây dựng quê hương Mê Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh- Ảnh 1.

Dân công hoả tuyến thồ lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Với phương châm "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!", mọi ngành, mọi giới, người người, lớp lớp đều dồn sức cho Điện Biên Phủ. Có gia đình cả cha, con, dâu, rể cùng ra tiền tuyến. Nhiều thiếu niên mới 15, 16 tuổi cũng xung phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều cụ già cũng hăng hái đi dân công phục vụ Chiến dịch.

"Tất cả cho Điện Biên Phủ", Nhân dân Mê Linh đã ra sức tăng gia sản xuất, để dành lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân để chi viện cho tiền tuyến. Chỉ trong 02 năm (1953-1954), huyện Mê Linh đã huy động 500 dân công, đóng góp 100 tấn gạo, cùng nhiều lương thực, thực phẩm, quần áo, mũ, chăn,.. phục vụ các lực lượng tham gia chiến dịch. Nhân dân ở hậu phương còn thêu hàng ngàn khăn tay, gửi hàng ngàn lá thư ra chiến trường để động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội thi đua giết giặc lập công.

Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong sản xuất và đời sống được phát huy cao độ, các tổ đổi công đã giúp nhau khắc phục khó khăn, nhất là về nhân lực, công cụ sản xuất. Những gia đình liệt sỹ, thương binh, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và gia đình cán bộ neo đơn được các đoàn thể cử người chăm sóc. Nhân dân các địa phương tổ chức đón nhận thương binh về làng chăm sóc, nuôi dưỡng. Phong trào thi đua kháng chiến ở hậu phương được đẩy mạnh đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu và quyết thắng của chiến sĩ ngoài tiền tuyến.

Trải qua "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…", với tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, (trong đó có quân và dân Mê Linh), Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính", là thắng lợi của tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua, song âm hưởng, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Trong hành trình đó, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Mê Linh có quyền tự hào về những đóng góp quan trọng của mình góp phần làm nên Chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó cũng chính là những di sản vô giá, là hành trang để các thế hệ người Mê Linh hôm nay và mai sau trân quý, gìn giữ, phát huy, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Phát huy tinh thần và hào khí của Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Mê Linh tích cực đoàn kết, ra sức thi đua lao động, sản xuất, công tác, học tập, giành nhiều thành tựu đáng tự hào. Sau 15 năm sáp nhập về thủ đô Hà Nội, Mê Linh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. 

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, chung sức xây dựng quê hương Mê Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh- Ảnh 2.

Trụ sở huyện Mê Linh trang trí chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, với đạo lý truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước, nhớ nguồn" của dân tộc, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Mê Linh luôn thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, thấm đậm nghĩa tình dành cho các gia đình chính sách và người có công với cách mạng.

Huyện đã phát động nhiều phong trào thi đua, chăm sóc, phụng dưỡng người có công như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và đỡ đầu con liệt sỹ, .. Qua đó, góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm, đạo lý đối với những người đã chịu nhiều mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với quyết tâm không để hộ chính sách nào phải sống trong ngôi nhà dột nát, huyện tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công, thân nhân người có công có khó khăn về nhà ở. Theo đó, toàn Huyện đã có 568 hộ chính sách được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 315 hộ xây mới, 243 hộ sửa chữa với tổng kinh phí 33,5 tỷ đồng. Đến nay, 100% hộ chính sách của Huyện có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Đáng chú ý, kỷ niệm 70 năm chiến thăng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Huyện tổ chức 10 đoàn lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp đến thăm hỏi, trao tặng 136 suất quà với tổng trị giá gần 700 triệu đồng cho các gia đình chính sách, người có công của 18 xã, thị trấn. Trong đó, 125 trường hợp gồm: Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ được tặng quà trị giá 5,2 triệu đồng/suất; 11 gia đình có thân nhân là liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ được tặng quà trị giá 2,2 triệu đồng/suất.

Dịp này, các cơ quan, đơn vị thuộc Huyện; các xã, thịt trấn cùng cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cũng chung tay tri ân gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm thiết thực.

Ngoài ra, Huyện đẩy mạnh các hoạt động trang trí, thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, Cổng Thông tin điện tử Huyện, Trang Zalo UBND Huyện; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; triển lãm tranh, ảnh về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các cơ quan, đơn vị, trường học và toàn thể Nhân dân thực hiện treo cờ Tổ quốc, làm vệ sinh môi trường, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp;.. chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Mê Linh luôn khắc ghi và biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; ra sức thi đua lao động, học tập, rèn luyện với tinh thần quyết tâm cao nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần xây dựng quê hương Mê Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô theo định hướng của Bộ Chính trị./.


Nguyễn Tuyền

Top