Cùng tham gia đoàn có đồng chí Trần Thanh Hoài - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND Huyện; lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Công ty Đầu tư và phát triển thủy lợi Hà Nội, Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Đồng và thị trấn Quang Minh;...
Đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp kiểm tra thực địa và chỉ đạo công tác chống úng tại khu đường gom (giáp khu Công nghiệp) và khu Công nghiệp Quang Minh (thuộc địa phận thị trấn Quang Minh); đường 48 mét (thuộc địa phận xã Đại Thịnh và xã Thanh Lâm) và khu vực Cầu sắt, (xứ đồng Lề Chề, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng).
Theo báo cáo của UBND Huyện về tình hình một số điểm thường xảy ra ngập úng khi có mưa lớn trên địa bàn Huyện: Tuyến đường gom giáp khu Công nghiệp Quang Minh I kéo dài từ nút giao với đường Chi Đông tới đường gom của đường Võ Văn Kiệt do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức quản lý, đầu tư. Hiện tại, hệ thống thoát nước của tuyến này chưa được đầu tư đồng bộ gây nên tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn.
Để giải quyết tình trạng này, UBND Huyện đã có buổi làm việc, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức khẩn trương đầu tư hoàn thiện các đoạn còn lại của tuyến đường gom; đồng thời sớm triển khai xây dựng hồ điều hòa để chống ngập úng cho Khu công nghiệp và các khu dân cư thuộc thị trấn Quang Minh.
Tại tuyến đường 48 mét (thuộc địa phận xã Đại Thịnh và xã Thanh Lâm), theo quy hoạch tuyến đường có chiều rộng 48m. Tuy nhiên, giai đoạn 1 mới được đầu tư 24 mét (đã giải phóng mặt bằng 48 mét). Hệ thống thoát nước hai bên tuyến đường chưa được đầu tư gây nên tình trạng úng ngập cục bộ khi mưa lớn. Để khắc phục, UBND Huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, UBND xã Đại Thịnh xây dựng tuyến mương cứng, tiến hành khơi thông 02 cống qua đường Quốc lộ 23B, song mới chỉ hạn chế được một phần. Đồng thời, UBND Huyện giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Huyện xây dựng phương án, triển khai nạo vét tuyến mương và lắp đặt hệ thống cống phục vụ tiêu thoát nước từ đường 48m xuống "ngòi" Phù Trì, xã Kim Hoa.
Tại khu vực Cầu sắt (thuộc xứ đồng Lề Chề, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng) do việc thi công Trạm bơm tiêu Văn Khê dẫn dòng làm hẹp lòng kênh và hạn chế khả năng tiêu thoát nước khiến khu vực này thường xuyên bị ngập úng. UBND Huyện giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Huyện thực hiện đắp bờ vùng, bờ thửa và lắp đặt trạm bơm dã chiến (giao UBND xã Tam Đồng quản lý, vận hành) để phục vụ chống ngập úng tại khu vực này.
Sau khi kiểm tra thực địa và nghe báo cáo, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của UBND Huyện, các ngành có liên quan và Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trong việc xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão.
Nhấn mạnh, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường; đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong phòng ngừa chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, đô thị,…
Đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị UBND Huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành Thành phố, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án trình UBND Thành phố xem xét, chấp thuận, đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai nói chung và công tác phòng, chống úng ngập nói riêng.
Trong khi chờ Thành phố phê duyệt, UBND Huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn có phương án sửa chữa, khắc phục nhanh, hiệu quả các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi mưa lớn. Đồng thời thường xuyên rà soát, chủ động phương án "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống Nhân dân trong mùa mưa bão./.