Chè Lam: Món quà thắm đượm tình quê

19/01/2023 | 08:58

Chè Lam là một thức quà quê dân dã, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, cắn miếng Chè Lam dẻo thơm, bùi béo của lạc, cay the the của gừng, ngọt dịu của mật mía và nhâm nhi cùng trà nóng luôn là lựa chọn của nhiều gia đình trong khoảnh khắc quây quần bên gia đình dịp đầu xuân năm mới.

Những ngày giáp Tết làng nghề chè lam, kẹo lạc thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh rộn ràng hương vị Tết cổ truyền. Hơi ấm của các lò sản xuất Chè Lam, Kẹo Lạc... như xua bớt không khí giá lạnh ngày đông.

Chè Lam: Món quà thắm đượm tình quê - Ảnh 1.

Chè Lam Tiến Thịnh

Thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh có nghề làm Kẹo Lạc, Chè Lam từ lâu; người dân nơi đây cũng không nhớ nghề nấu Chè Lam, Kẹo Lạc có từ khi nào, chỉ biết rằng khi lớn lên đã được bố mẹ truyền dạy cho cách nấu Chè Lam làm món quà ăn trong những ngày Tết. Ngày nay, người dân trong làng đã phát triển làng nghề, đưa sản phẩm Chè Lam, Kẹo Lạc đi khắp mọi miền đất nước. Hàng năm cứ vào độ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch các thương lái trong xã và cả các thương lái ở các nơi đổ về đặt hàng Chè Lam, Kẹo Lạc phục vụ khách hàng ở khắp các địa phương dịp Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền của dân tộc)

Làm nghề quanh năm song tấp nập nhất là từ tháng Mười âm lịch, các hộ chuẩn bị nguyên liệu cho làm chè lam như gạo nếp, lạc, gừng, mật (đường ăn). Ông Hoàng Văn Giáp có hơn 30 năm làm nghề nấu chè lam, chia sẻ: "Tôi nhớ từ thời ông bà tôi đã làm Chè Lam cho ngày Tết. Nhà nào không làm Chè Lam thì coi như không có Tết. Hằng năm, cứ vào khoảng 25 đến 27 tháng Chạp, các bà, các mẹ trong làng lại rục rịch chuẩn bị bột gạo nếp, lạc nhân, gừng, vừng, đường mía để làm chè lam. Tất cả đều là sản phẩm do bà con nông dân làm ra".

Sau này, do nhu cầu thị trường về món Chè Lam dịp Tết cổ truyền cao nên gia đình ông Giáp đã mở xưởng sản xuất Chè Lam. Những năm gần đây gia đình ông cho ra lò Chè Lam với các vị: Mật, dứa, gấc, cà phê… Với Chè Lam mật có thêm mạch nha, ngũ vị để tăng độ dẻo, săn của bánh, giòn thơm của ngũ vị. Để có được những mẻ bánh Chè Lam thơm ngon, mềm, dẻo thì phải đầy đủ nguyên liệu gồm gạo nếp, ngừng, lạc nhân, vừng, đường mía và cách pha chế các nguyên liệu với nhau phải đạt tỷ lệ phù hợp. Khi chọn gạo nếp làm Chè Lam phải chọn loại gạo nếp ta mới thơm, dẻo; Gừng chọn loại gừng già, màu vàng tươi, cạo vỏ, rửa sạch giã nhỏ; Lạc rang vàng chín tới, làm sạch vỏ lụa, tách đôi hạt. Khó nhất là công đoạn trộn các loại gia vị và nấu đường, vì nếu non hoặc già tay là hỏng cả mẻ mấy chục cân hàng. Xưởng Chè Lam nhà ông Giáp có hàng chục nhân công nhưng chỉ duy nhất bà Đỗ Thị Thanh, vợ ông có thể đứng bếp đảm nhận khâu này. Chè lam nấu xong được cho vào khuôn có lót một lớp bột nếp (còn gọi bột áo) bên dưới, sau 4 - 5 tiếng cho nguội rồi lấy dao cắt thành từng miếng hình chữ nhật với chiều dài 10cm. chiều rộng 1,5cm, được đóng thành túi với trọng lượng 0,5 kg/túi hoặc 1kg/ túi tùy theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, xưởng Chè Lam nhà bà Thanh mỗi ngày sản xuất từ 5 - 6 tạ Chè Lam; Chè Lam nhà ông bà Thanh Giáp sản xuất ra đến đâu được thương lái lấy hết đến đó. Khách lẻ trong làng, trong xã đến mua để ăn hoặc làm quà biếu đều phải đặt trước mới có hàng.

"Cùng với mỳ bún, bánh đa nem Trung Hà, hương Thọ Lão, kẹo lạc, chè lam Yên Thị ngày càng được nhiều người biết đến. Những thanh Chè Lam thơm, dẻo, mềm, ngọt thể hiện sự khéo léo, sáng tạo, dẻo dai của người dân nơi đây. Đứng theo dõi máy đảo bột, bàThanh nói: "Phải đánh mạnh và đều tay thì bánh mới dẻo, để được lâu và ăn ngon hơn. Nếu lười quấy, bánh bị vón cục, nhanh bở". Ở tuổi ngoài 60, đôi tay bà Thanh vẫn thoăn thoắt chuyển động theo từng vòng quay của nồi chè cho đến khi đạt độ sánh nhất định, rồi nhanh tay bắc nồi, trút Chè Lam còn nghi ngút khói vào tấm nia to đã được rắc sẵn "bột nếp" làm áo cho bánh chè làm.

Chè Lam: Món quà thắm đượm tình quê - Ảnh 2.

Ông Giáp cắt chè lam thành những miếng nhỏ

Từ lâu Chè Lam, Kẹo Lạc là món quà quê đậm đà của bao người. Trong ngày Tết, món Chè Lam này được mọi người ở mọi lứa tuổi ưa thích bởi dễ ăn, đậm hương vị Tết xưa. Vì thế không chỉ ở xã Tiến Thịnh mà người dân ở khắp nơi cũng có thói quen làm Chè Lam, Kẹo Lạc ăn Tết. Tuy nhiên để nấu được Chè Lam ngon thì ngoài việc chọn loại gạo nếp ngon, cách thức pha chế các nguyên liệu cũng phải hợp lý, cách đánh Chè Lam phải dịp nhàng đều tay, do vậy không phải ai cũng làm được. Để thưởng thức được món Chè Lam ngon, nhiều người đã lựa chọn đặt Chè Lam ở các cơ sở sản xuất Chè Lam uy tín, thân quen để dùng tiếp khách đầu năm mới. Chè Làm Yên Thị, xã Tiến Thịnh đã được nhiều người lựa chọn dùng làm món quà thiết khách đến chơi ngày đầu năm mới, dung làm quà biếu người thân mỗi dịp Tết đến Xuân về. Món quà quê gói trọn tình thân từ đây được đưa đi muôn nơi. Bà Trần Thị Thoa, 70 tuổi, quê ở Tiến Thịnh hiện sống tại thành phố Đà Lạt chia sẻ: "Bao năm xa quê tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị Chè Lam, Kẹo Lạc quê mình, nhất là dịp Tết đến Xuân về. Vì vậy, dù ở xa nhưng năm nào tôi cũng đặt Chè Lam ở quê mình nhờ người thân gửi vào vài chục cân để ăn và biếu bạn bè".

Nguyễn Thu

Top