Huyện Mê Linh

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh

16:56 - 01/12/2023

Sáng ngày 01/12/2023, tại Hội trường Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Mê Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 10 do đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm trưởng Đoàn đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn báo cáo kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV. Hội nghị được tiến hành trực tuyến đến điểm cầu huyện Sóc Sơn.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh- Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn

Tham dự Hội nghị tiếp xúc có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố. Đại biểu huyện Mê Linh có đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện; đồng chí Hoàng Văn Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND Huyện; lãnh đạo Ủy ban MTTQ, Trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc Huyện; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ các xã, thị trấn cùng đông đảo cử tri.

Tại hội nghị, đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân báo cáo đến cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn về kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Theo đó, sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kỳ họp đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, ý kiến lần 2 với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị tiếp cúc cử tri

Kỳ họp cũng tiến hành giám sát tối cao chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn tại kỳ tiếp xúc trước.

Tại hội nghị, cử tri các huyện Mê Linh, Sóc Sơn mong Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được thông qua và việc sửa đổi lần này đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đang đặt ra để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò là Thủ đô xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh- Ảnh 3.

Cử tri huyện Mê Linh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị việc triển khai Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua cần tránh phiền hà cho người dân khi cấp, đổi căn cước; sớm thực hiện các dự án liên quan đến nhà ở cho công nhân;…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố đã trả lời và trao đổi về một số kiến nghị của cử tri liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết và khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát ngay những vấn đề cấp bách cử tri nêu.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh- Ảnh 4.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Tổ đại biểu sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố để báo cáo với Quốc hội.

Thông tin về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ sáu, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết tại các phiên thảo luận Tổ, thảo luận hội trường đã có 177 ý kiến tham gia vào dự thảo Luật. Trong đó hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội bảy tỏ ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi Luật, đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho Thủ đô.

Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, Luật Thủ đô năm 2012 là Luật đi đầu, là cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác. Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa Luật hiện hành, vừa tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác. Việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

Bên cạnh việc xây dựng dự án Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố cũng đang xây dựng hai quy hoạch lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội.

Thông tin về công tác phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự báo Thành phố sẽ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 6,2%; dự kiến thu ngân sách khoảng 400 nghìn tỷ đồng trong năm 2023; các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng - an ninh đều được bảo đảm và có kết quả tích cực.

Về cải cách hành chính, UBND thành phố Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính;…


Nguyễn Thu - Ngọc Tuấn