Phát huy thế mạnh địa hình vùng trũng, năm 2015, vợ chồng anh Lã Quang Khanh, chị Nguyễn Thị Hải đã mạnh dạn thuê lại 5ha đất của bà con trong xã để trồng và phát triển cây sen. Những năm đầu gia đình anh chị trồng giống sen Quỳ lấy hạt, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Chị Nguyễn Thị Hải phân loại hoa sen trước khi tiến hành ướp trà sen.
Với quyết tâm phát triển kinh tế từ trồng hoa sen, năm 2018, anh chị tìm đến những vùng trồng sen nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hồ Tây (quận Tây Hồ) để học tập kinh nghiệm. Sau nhiều ngày tìm hiểu, nhận thấy, hai giống hoa sen Bạch Liên và Bách Diệp có xuất xứ từ giống sen cổ Hồ Tây phù hợp thổ nhưỡng, phát triển nhanh, bông hoa to, sắc thắm, hương thơm, nên anh chị đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng các giống hoa này.
Để ổn định sản xuất, gia đình anh chị tiếp tục vận động các hộ dân cho thuê thêm ruộng, mở rộng mô hình từ 5ha lên 50ha. "Gia đình tôi ký hợp đồng với các hộ dân và nhận một số người dân cho thuê ruộng vào làm việc lâu dài, trả công 250-300 nghìn đồng/người/ngày", anh Khanh cho biết.
Trên diện tích 50ha, vào mùa thu hoạch (từ tháng 5 đến tháng 9), mỗi ngày gia đình anh chị cung cấp cho thị trường 8.000-10.000 bông hoa sen. Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng hoa của người dân, gia đình còn liên kết với Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) và một số hộ trồng chè ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để cung cấp hoa, lá sen. Gia đình anh chị cũng tự xây dựng quy trình ướp trà riêng và xây dựng thành thương hiệu trà sen Mê Linh, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2-3 tấn sản phẩm, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, trừ chi phí thu lãi hàng tỷ đồng, cao gấp 3-5 lần canh tác lúa truyền thống.

Sản phẩm trà sen sấy khô của gia đình anh Lã Quang Khanh, chị Nguyễn Thị Hải đã xây dựng được nhãn hiệu, bước đầu có chỗ đứng trên thị trường.
Đáng chú ý, vừa qua, sản phẩm hoa sen, trà sen của gia đình anh chị đã được huyện Mê Linh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu "Bạch thiên sen Hải Linh", được đăng ký bảo hộ và được Phòng Kinh tế, Hội Nông dân Huyện kết nối đưa đi trưng bày, giới thiệu ở nhiều hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài Thành phố.
Trưởng Phòng Kinh tế Huyện Nguyễn Trọng Phan đánh giá, mô hình trồng sen của gia đình anh Lã Quang Khanh, chị Nguyễn Thị Hải không chỉ nâng cao thu nhập, làm đẹp thêm cảnh quan, mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của huyện Mê Linh. Phòng Kinh tế Huyện đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát lại những diện tích vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả để khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi thủy sản, hạn chế bỏ ruộng hoang. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế Huyện cũng hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất; hỗ trợ cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen, hướng dẫn, hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Huyện Đào Thị Thúy Phượng cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân Huyện chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn, nhất là Hội Nông dân xã Mê Linh và xã Đại Thịnh xây dựng các Chi hội, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần hỗ trợ hội viên nông dân trong phát triển kinh tế từ mô hình trồng sen. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện cho các thành viên trong Chi, Tổ hội nghề nghiệp tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm.
Mặc dù sản phẩm trà sen của huyện Mê Linh bước đầu đã được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ và đưa đi các hội chợ giới thiệu, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để mô hình trồng sen phát triển bền vững, sản phẩm từ sen trở thành thương hiệu riêng, thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục mở rộng diện tích, đa dạng mô hình, đồng thời, kết hợp sản xuất với phát triển du lịch trải nghiệm, tiến tới xây dựng thành làng nghề sen Mê Linh./.