Đền Thai Lai, xã Tiến Thắng

25/12/2020 | 09:11

Đền Thai Lai nằm trên địa bàn thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Cả Đền và Nghè Thái Lai đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Toàn cảnh Đền Thái Lai

Đền thờ Trần Công là huyện tể huyện Chu Diên, đồng thời là thân phụ Trần Nương #8211 người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán xâm lược bảo vệ đất nước. Hiện nay, nằm ở phía sau cạnh đền và bên phải từ ngoài vào đền là mộ Trần Công.

Đền Thái Lai được xây dựng vào đầu công nguyên. Đến thế kỷ thứ XIX, đền được làm lại như ngày nay. Đền làm theo hướng tây nam giáp sông Cà Lồ. Về kiến trúc của đền hình chữ “đinh” gồm hai tòa: Tiên tế ba gian và Hậu cung hai gian. Cửa đền được trang trí tác môn hình rồng chầu mặt nguyệt, mái lợp ngói mũi. Kết cấu của hai tòa Tiền tế và Hậu cung là kiểu tứ trụ lòng thuyền và chống bốn con lợn.

Cũng như bao kiến trúc khác thời Nguyễn, trang trí ở đền Thái Lai được kết hợp nhuần nhuyễn giữa trang trí trên gỗ và đắp vẽ ngõa. Đặc biệt là trang trí ở tác môn, ván gió và cốn mê.

Tác môn ở đền Thái Lai gắn liền với hệ thống cửa. Tác môn dài 8,80m, cao 5,05m chia làm ba ô tương ứng với ba gian của Tiền tế và được chia làm ba tầng trang trí. Tầng dưới cùng lớn nhất bao gồm hết phần cửa. Hai bên đầu đốc đắp phù điêu nổi hình hai võ tướng đứng, nét mặt nghiêm trang, râu đen, mắt xếch long lanh, đầu đội mũ quả găng, mình mặc áo cẩm bào trang trí các đường diềm, hổ phù, chân đi hài cong, tay phải cầm cây thương ép sát vào mình. Tầng thứ hai có kích thước nhỏ hơn, hai ô hai bên trang trí đơn giản bằng các đường gờ soi đắp nổi và trổ thủng các hình chấn song. Ô giữa có các đường diềm gờ đều được tạo thành 6 hình bầu dục, trong đắp nổi hình hoa lá, bát bửu. Ở ô giữa này đắp nổi 4 chữ Hán: “Vạn cổ lưu phương”…

Tầng trên cùng, ô giữa cao hơn đó là một cuốn thư đắp đẹp, cân đối, phần giữa cuốn thư đắp nổi 3 chữ “Tối linh từ”. Trên cuốn thư đắp hình mặt nguyệt rất mảnh. Hai ô hai bên đắp thủng hai rồng cuốn chầu vào. Đây là hình rồng cỡ lớn, đuôi xoắn, mắt xếch, miệng hơi há ra, dữ tợn.

Qua tác môn là vào Tiền tế của đền, nối với tiền tế là Hậu cung. Chỗ tiếp giáp này được gắn bằng hai bức cốn gió; ở hai bên, trên tạc long, ly, quy, phượng. Rồng ở đây được chạm lớn, chiếm gần hết hết bức chạm. Rồng có bờm tóc dài dữ tợn, mắt nổi lồi đen trắng, chân rồng choãi ra, bốn móng sắc bám chặt vào cánh mác trong tư thế nhìn xuống, đầu ngẩng cao rít mạnh một dòng nước hút lên. Trong dòng nước chạm một con cá chép cong mình cuốn quanh cột nước. Cạnh đó là rùa chân giơ lên, đầu ngước theo dòng nước. Kế theo là hình con ly, bờm tóc rậm rạp, đầu ngoảnh lại theo hướng đầu rồng, bốn chân choãi thẳng như đang phi nước đại. Phủ kín bức chạm này là các hình vân mây, sóng nước được tỉa gọt tỷ mỉ, tinh tế.

Ngăn cách giữa Tiền tế và Hậu cung là một tường xây gạch có 3 cửa. Phần trên các cửa này có một cốn mê hình tam giác cân. Toàn bộ cốn mê này được đắp nổi và tô màu các hình rồng, phượng, vân mây. Trên cùng của bức cốn giáp mái đắp một hình hổ phù rất lớn, bờm tóc dài rậm rạp, mũi chó, mắt lồi đen trắng, miệng càm chữ “Thọ”. Dưới hổ phù đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Hai bên rồng chầu đắp hình phượng ở tư thế đang bay, cánh xòe rộng, đầu phượng ngẩng, mắt lá dăm, mỏ vàng khoăn cắp dải lụa dài buộc bút sách. Phía dưới hình phượng, chỗ cửa ra vào là hình ly đang trong tư thế phi nhanh, đầu tóc dữ dằn, lưng cõng chữ “Thọ”. Phủ kín bức cốn này là các hình vân mây, lá được tạo tác hết sức tỷ mỉ, mềm mại.

Ngoài ra, đền Thái Lai còn lưu giữ một số di vật, cổ vật độc đáo đặc biệt di vật là các đồ thờ bằng gỗ. Hằng năm vào ngày rằm, mồng một hàng tháng, ngày lễ tết bà con nhân dân trong thôn, xã đều sắm sửa lễ nghi, thờ phụng cầu mong bình an cho gia đình. Đây cũng là nơi tổ chức lễ hội truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về./.

quantri

Top