Huyện Mê Linh

Di tích đền Thạch Đà

10:55 - 08/01/2021

ĐỀN: Trong các công trình tâm linh của Thạch Đà thì Đền Thạch Đà có một vị trí hết sức quan trọng đối với dân làng. Theo truyền thuyết thì Đền Thạch Đà có từ thời đầu công nguyên, thờ 3 vị nữ thần dòng dõi Hùng Vương giúp hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định là Ả Nương, Lã Nương và Mỵ Nương do vậy còn gọi là Đền Bà. Đền lúc đầu làm bằng gỗ lợp lá gồi nằm ở cạnh triền đê sông Hồng sau được dân làng tôn tạo, xây dựng kiên cố. Đến thế kỷ XIX đền được mở rộng, xây dựng bề thế, có kiến trúc đẹp.
 


                 Đền Thạch Đà cũng có những thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Trong thời thuộc Pháp, cùng với thời gian, nắng mưa, lụt lội và chiến tranh ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuy vậy dân làng vẫn cất giữ được một số đồ thờ quý giá. Sau hòa bình, nhân dân Thạch Đà góp công, góp tiền xây dựng lại đền bằng gỗ khá khang trang nhưng đến năm 1978 lại bị dỡ đi vì cho rằng đình miếu, đền chùa là mê tín dị đoan. Đến năm 1990 đền được xây dựng lại nhưng không còn gữ được dáng dấp cổ kính như xưa.

                Hiện nay ngôi đền đang được Công ty Cổ phần Him Lam phát tâm công đức xây dựng mới hoàn toàn trên nền đền cũ với tổng diện tích trên 5.000m2, xứng tầm với công đức của 3 vị liệt nữ từ thời khai quốc. Việc xây dựng lại ngôi đền to đẹp, khang trang để làm nơi hương khói thờ phụng 3 vị tiền bối phù hợp với tâm nguyện của nhân dân, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, hướng tới điều thiện; là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, có sức gắn kết nhân tâm, tình làng nghĩa xóm, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ hướng về quê hương, nguồn cội.



               Một điểm nhấn của ngôi đền xưa là ở đầu phía Tây, sát triền đê có hai cây gạo có tuổi đời đến bốn, năm trăm năm. Hai cây gạo cổ thụ như là một biểu tượng của Thạch Đà, đã bao đời như hai ngọn “ hải đăng” dẫn đường cho những người con xa xứ trở về với quê hương. Hai cây gạo cổ thụ ấy bây giờ không còn nữa nhưng dân làng thì vẫn không bao giờ quên. Giờ đây cùng với việc xây dựng lại ngôi đền, hai cây gạo mới cũng đã được trồng ở vị trí cũ đang xanh tốt, đầy sức sống vươn lên trời cao để rồi sẽ lại như hai cây gạo năm xưa trở thành hai ngọn ‘ hải đăng” dẫn đường cho những người đi xa trở về thăm quê cha, đất tổ, trở về chốn linh thiêng của một vùng quê giàu truyền thống.