Diện mạo mới ở Mê Linh

20/11/2022 | 19:57

Dù khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng cách làm vừa bài bản, vừa quyết liệt, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Đây là thành quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn thể nhân dân trên địa bàn và là tiền đề quan trọng để huyện bứt phá, phát triển nhanh hơn, định hình trở thành đô thị trong tương lai không xa.

Diện mạo mới ở Mê Linh - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông nông thôn tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. (Ảnh Duy Linh)

Chúng tôi về xã Tự Lập, huyện Mê Linh vào những ngày cuối tháng 11/2022. Đi trên con đường bê-tông với hai hàng hoa được trồng trải dài tăm tắp về trung tâm hành chính xã, ai cũng có thể thấy được diện mạo khang trang của làng quê cùng những ánh mắt, nụ cười đầy phấn khởi của mỗi người dân. Không vui sao được khi chỉ ít ngày nữa, những kết quả đạt được của xã đã góp phần để huyện Mê Linh sẽ chính thức trở thành huyện nông thôn mới.

Tăng cả lượng và chất

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đảm ở thôn Yên Bài, xã Tự Lập cho biết: "Người dân phấn khởi lắm vì cùng với danh hiệu nông thôn mới là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rất nhiều. Bây giờ đường bê-tông vào tận cổng nhà dân, vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn, chị em phụ nữ trong thôn bảo nhau bỏ tiền, bỏ sức để chăm chút con đường hoa thật đẹp". Bà Đảm còn tiếc vì nếu chúng tôi có thời gian thì bà sẽ dẫn đến nhà văn hóa thôn vào buổi chiều tối, để chứng kiến các đội bóng chuyền hơi, đội dưỡng sinh hay câu lạc bộ văn nghệ biểu diễn, "không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, vui tươi lắm", bà Đảm chia sẻ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tự Lập Trần Văn Huệ, để có được kết quả, diện mạo như hôm nay là sự nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, lúc đầu mới triển khai xây dựng nông thôn mới, xã cũng gặp không ít khó khăn, nhất là hai tiêu chí về giao thông nông thôn và vệ sinh môi trường.

Nắm bắt tình hình thực tế, xã đã chọn một xóm "vướng" nhất để tập trung tuyên truyền, vận động và sau khi ở đây đồng thuận đã tạo sự lan tỏa đến các địa bàn khác. "Bây giờ thì tốt rồi, không chỉ ủng hộ mà bà con còn tự đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng và chăm sóc con đường hoa dài cả cây số từ tỉnh lộ 308 đến các ngõ, xóm".

Diện mạo mới ở Mê Linh - Ảnh 3.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học Tự Lập A, xã Tự Lập. (Ảnh Duy Linh)

Năm 2010, khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn nhất là hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu đồng bộ, đường giao thông xuống cấp, kinh tế khu vực nông thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,64%.

Không chỉ ủng hộ mà bà con còn tự đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng và chăm sóc con đường hoa dài cả cây số từ tỉnh lộ 308 đến các ngõ, xóm.

(Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tự Lập Trần Văn Huệ)

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng, trong đó cơ bản là thu từ nguồn đấu giá đất (khoảng 50%). Qua khảo sát 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới của 16 xã cho thấy các xã chỉ đạt một tiêu chí (đó là tiêu chí An ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều đạt thấp. Đối với tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, đánh giá tại thời điểm năm 2016 thì cả chín tiêu chí đều chưa đạt.

Khó khăn như vậy cho nên huyện Mê Linh đã vào cuộc bằng quyết tâm cao độ, với đích đến không chỉ là hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, mà làm sao phải thật bền vững, phải nâng được chất lượng đời sống, thu nhập của người dân và là tiền đề quan trọng để huyện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Diện mạo mới ở Mê Linh - Ảnh 5.

Trường Tiểu học Tự Lập A, xã Tự Lập được đầu tư xây dựng khang trang với trang thiết bị đầy đủ phục vụ công tác giảng dạy. (Ảnh Duy Linh)

Ban chỉ đạo cấp huyện, xã được thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng xã, từng tiêu chí. Lãnh đạo huyện thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giúp các xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2010-2021, huyện Mê Linh đã đầu tư hơn 4.011 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; thu nhập bình quân đạt 58,6 triệu đồng/người/năm, tăng 45 triệu đồng so với năm 2010. Qua đánh giá, tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới đạt từ 96% đến 99%, nhiều tiêu chí của xã, của huyện đã tiệm cận với tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Thành quả huyện Mê Linh đạt được một phần quan trọng là nhờ nguồn lực đầu tư lớn của thành phố và đóng góp từ nguồn xã hội hóa. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động được hơn 4.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn từ nhân dân gần 121 tỷ đồng. Qua rà soát, huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Qua đánh giá, tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới đạt từ 96% đến 99%, nhiều tiêu chí của xã, của huyện đã tiệm cận với tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Ngoài việc xây dựng hạ tầng nông thôn, Mê Linh cũng quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Huyện đã quy hoạch được các vùng chuyển đổi quy mô lớn như: Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại xã Mê Linh 190ha, xã Văn Khê 110ha, xã Đại Thịnh 80ha; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt 200ha…

Từ phong trào sản xuất, huyện Mê Linh đã xuất hiện nhiều nông dân điển hình, tiên phong trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập cao. Tiêu biểu như ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ mô hình hoa lan ở xã Đại Thịnh phát triển nông trại tổng hợp trên diện tích 129.000m2, trong đó 5.000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao đem lại doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm; ông Sái Văn Triệu (xã Hoàng Kim) trồng 70ha chuối tiêu xuất khẩu, cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm.

Diện mạo mới ở Mê Linh - Ảnh 7.

Trụ sở xã Tự Lập được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Dự kiến khánh thành vào đầu năm 2023. (Ảnh Duy Linh)

Đô thị của tương lai không xa

Những kết quả này đã mở ra chặng đường mới để huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có từ sáu đến tám xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có từ một đến hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng khung, hạ tầng kinh tế-xã hội nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án xây dựng huyện Mê Linh lên quận vào giai đoạn 2025 - 2030.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Mê Linh tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đồng thời, huyện coi đây là nhiệm vụ quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các vùng chuyên canh hoa - cây cảnh gắn với du lịch trải nghiệm; phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mỗi năm từ 20 sản phẩm đến 30 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao để nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện tập trung đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

"Chúng tôi xác định lấy lợi ích của người dân làm động lực để tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và coi đây là nền tảng để tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn theo hướng đô thị, hướng tới xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Diện mạo mới ở Mê Linh - Ảnh 9.

Chăm sóc hoa ly tại trang trại tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh. (Ảnh Duy Linh)

Huyện Mê Linh sẽ kết nối với toàn bộ khu vực phía Tây Thủ đô thông qua quy hoạch xây dựng dự án cầu Hồng Hà vượt sông Hồng.

Mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào hạ tầng, vị trí của Mê Linh có thể thấy vùng đất này đang bứt phá từng ngày để trở thành cực tăng trưởng mới của Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, tháng 3/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với quy mô gần 11.000ha hiện thực hóa quy hoạch "thành phố hai bên bờ sông Hồng". Đây là lực đẩy quan trọng để phát triển đô thị Mê Linh trở thành điểm nhấn phát triển phía cực bắc Thủ đô.

Bên cạnh đó, một loạt dự án giao thông mới đang được rốt ráo triển khai tiếp tục tạo sức bật mạnh mẽ cho địa bàn. Theo đó, huyện Mê Linh sẽ kết nối với toàn bộ khu vực phía Tây Thủ đô thông qua quy hoạch xây dựng dự án cầu Hồng Hà vượt sông Hồng. Đặc biệt là tuyến đường vành đai 4 chạy qua huyện Mê Linh với chiều dài khoảng 11,2km sẽ là điều kiện không thể thuận lợi hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn huyện nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Theo Báo Nhân Dân

Top