ĐÌNH CẢ, XÃ VĂN KHÊ, HUYỆN MÊ LINH

11/11/2020 | 10:50

ĐÌNH CẢ, XÃ VĂN KHÊ, HUYỆN MÊ LINH

Đình Cả nằm trên địa bàn thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê. Theo truyền thuyết, đình Cả thờ Hoàng Tuyển, hiệu là Quốc Hoàng đại vương, người đã công giúp Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục.

Đình được xây dựng trên một khu đất rông thuộc địa phận xóm Chùa, sát đường liên xã. Tục truyền đình Cả được làm trên lưng con Phượng Hoàng, phía trước có hồ nước trong. Theo cuốn Niên biểu Việt Nam và căn cứ vào tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) lưu trong đình kết hợp với kiểu dáng kiến trúc hiện còn cùng với nghệ thuật điêu khắc dân gian của ngôi đình cho chúng ta thấy đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Kiến trúc ngôi đình theo kiểu chữ “công” và quay về hướng tây chếch nam.

Tòa Đại đình gồm 5 gian 2 mái, 6 hàng chân cách thức vì tạo kiểu giá chiêng chồng rường hạ bẩy. Riêng hai vì kèo, hai đốc mái kết cấu theo kiểu chồng giường giá chiêng. Từ cột cái đến các cột quân là những khối gỗ to gác lên nhau đỡ đòn tay tạo thành bức cốn nách chạm khắc các hình vân xoắn, đao mác trau chuốt, điêu luyện. Từ cột quân đến cột hiên vươn ra hai mái là hai kẻ to, nặng được đục chạm vân xoắn, đao mác. Riêng các đầu kẻ bẩy hiên được đục chạm cả hai mặt hình rồng vây mác tua tủa, hai bên thân tròn, đuôi thẳng như đuôi cá, xung quanh chạm khắc hình vân xoắn, đao mác, sóng nước, hoa lá,…Xung quanh Đại đình có khung cửa làm theo kiểu thượng song hạ xây tường. Riêng ba cửa chính giữa được làm theo kiểu thượng song hạ bản, khiến cho đình thông thoáng, mát mẻ.

Ống muống được xây nối liền với Đại đình bởi hệ thống xà và dui, thượng lương với hệ thống cột cái gian chính giữa chạy dọc về phía sau kết với tòa Hậu cung chạy ngang tạo thành chữ “công”. Phần ống muống có diện tích mặt bằng khá rộng gồm 2 gian, 4 hàng chân cao bằng Đại đình. Mái được làm hai mái, toàn bộ phần ống muống được làm trần ván. Phần kết cấu được đặt trên 4 cột, vì kèo trên làm theo kiểu thường rường hạ bẩy.

Hậu cung gồm 3 gian được xây theo kiểu tường hồi bít đốc nền cao hơn Đại đình có 4 hàng chân cột cái. Mái được làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng bốn mái. Phần cổ diêm giữa hai mái được bưng kín bằng những ván mỏng, các bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Gian giữa Hậu cung làm sàn cách nền 2,10 m để đặt long ngai, nơi tọa lạc của Thành hoàng làng. Phần này được ngăn cách bởi bộ cửa bức vàn vẽ trang trí tứ linh và sơn son thếp vàng lộng lẫy, xung quanh được bưng ván, làm trần ván gỗ mỏng.

Cùng với quy mô kiến trúc đồ sộ, nguy nga, đình Cả còn lưu giữ được nhiều bức chạm trổ đẹp trên các bức cốn nách, kẻ, bẩy, dép hoành, đầu dư,…điển hình như: Bốn bức cốn nách gian giữa tòa Đại đình được trang trí chủ yếu là hình rồng với thân nhỏ, gấp khúc, vây cá chép, đao mác mập đầy, đuôi vung ra. Đầu rồng không mấy giữ tợn, bờm tóc ngắn, miệng há rộng, mũi to, mắt lồi, râu vểnh. Riêng hai bức cốn phía trong bên cạnh hình rồng càm chữ “thọ” là các họa tiết trang trí hình trám lồng với các họa tiết vân xoắn, đao mác đã tạo nên một bức chạm khá sinh động, mạnh mẽ, song không kém phần uyển chuyển.

Hai bức chạm cốn trước cửa Hậu cung trang trí là hình rồng phun nước, dưới cột nước có hình cá chép. Rồng với đuôi xoắn, đao mác mập đầy. Bên cạnh hình rồng là long mã đầu và thân được thể hiện hình rồng, 4 chân co lên trong thế phi nước đại, thần quy lạc thú bơi trong hồ nước, phượng đứng trong thế đậu cùng với các họa tiết sóng nước, hóa lá sen, vân xoắn, đao mác. Bức chạm bên trái được thể hiện là 4 hình rồng thân nhỏ, vây mác mập đầy. Riêng hình rồng lớn thể hiện rõ đuôi xoắn tạo thành như bông hoa. Bên cạnh các hình rồng là hình phượng đậu.

Dưới câu đầu là một hệ thống đầu dư được trang trí theo kiểu chạm lộng. Tám đầu dư thể hiện hình rồng với tư thế nhìn thẳng, đao mác theo lối râu trê.

Đình Cả còn có một số di vật cổ độc đáo, đặc biệt là các di vật bằng đồng và di vật là các đồ thờ bằng gỗ được trạm trổ khá tinh xảo, tỉ mỉ tạo nên sự hài hòa tinh tế mang đầy tính sáng tạo, khả năng tư duy và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thời trước./.

Top