Hát dân ca Xa Mạc được thể hiện dưới dạng diễn xướng các câu thơ lục bát, với giọng hát ngâm, gần giống với lối hát ''xổng'' của nghệ thuật hát chèo. Mỗi làn điệu có cách ngâm dài, ngắn khác nhau, âm vực trầm bổng, tiết tấu nhanh, chậm phù hợp với hoàn cảnh, nội dung và đối tượng thể hiện. Với lối thể hiện bình dị, dân dã nhưng không kém phần lãng mạn, được sinh ra từ chính cuộc sống lao động và sản xuất của những người dân chân chất nơi đây.
Hát dân ca đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của nhân dân, điệu hát đã đi vào cuộc sống của những người lao động bình dân như chính tâm hồn của họ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc với biết bao đau thương, làn điệu dân ca Xa Mạc vẫn được gìn giữ, chuyển giao qua các thế hệ, khi bổng khi trầm. Cho đến nay, làn điệu hát dân ca này vẫn được bảo tổn nguyên vẹn và đang ngày càng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong mạch nguồn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đã có từ thời xa xưa giữa sự đa dạng của các loại hình như: Quan họ, ví dặm, ca trù, đờn ca tài tử,….thì hát dân ca Xa Mạc cổ là một loại hình hát mang đậm nét văn hóa của quê hương Xa Mạc, là sản phẩm văn hóa phi vật thể gắn bó bó với bản sắc người dân Xa Mạc xã Liên Mạc từ lâu đời.
Những làn điệu dân ca này từng có thời gian trầm lắng nhưng nhờ công sức, tâm huyết của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, nghệ thuật truyền thống của làng quê đã được vực dậy, phát triển như ngày nay.
Hát Xa Mạc có lịch sử lâu đời. Theo ký ức của người cao niên trong làng, khi sinh ra, họ đã thấy các cụ hát trong những dịp hội làng, các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt thường ngày và họ cứ thế tiếp nối. Hát Xa Mạc được vận dụng để hát đối đáp, hát giao duyên, hát trên thuyền, hát lúc cày cấy, hát lúc quay tơ dệt lụa, hát ở sân đình, cửa đình… với nhiều thể loại phong phú.
Theo nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, mỗi một bối cảnh là những làn điệu riêng nhưng đều chứa đựng đặc trưng của lối hát của Xa Mạc, có giọng ngâm truyền cảm, vừa mượt mà, sâu lắng, vừa chứa đựng tình yêu quê hương, con người, sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.
Lối hát này thường hát hai câu một điệu, cho dù bài rất dài vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đó. Cũng như hát Trống quân, hát Cò lả, người Xa Mạc tự hào lối hát quê hương không giống bất cứ một làn điệu dân ca nơi nào và duy nhất chỉ có ở Xa Mạc.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hát Xa Mạc, các làn điệu dân ca này đã ngấm vào tâm hồn ông từ nhỏ. Thủa còn đi học, ông đã được ông bà, bố mẹ dạy cho những bài hát cổ, ngân nga trong những lúc rảnh rỗi.
Ông vận động mọi người cùng tham gia hát Xa Mạc, dần vực lại làn điệu dân ca quê hương. Khi có số lượng người tham gia hát nhất định, ông Lược lại nghĩ đến việc thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Xa Mạc.
Câu lạc bộ ra đời, ban đầu chỉ hơn 20 thành viên và gặp nhiều khó khăn khi nhiều người chưa biết hát dân ca mà chỉ tham gia vì yêu văn nghệ và ủng hộ ông.
Ông Lược vừa là chủ nhiệm, vừa dạy hát, kiêm luôn cả dàn dựng, biên đạo các bài múa. Hát Xa Mạc có rất nhiều thể cách. Việc dạy mọi người biết cách ngân nga, luyến láy theo đúng đặc trưng của dân ca Xa Mạc cũng không dễ dàng.
Sau một thời gian kiên trì, cộng với sự nhiệt tình của các thành viên, mọi người đều có thể hát thành thạo. Để câu bộ hoạt động tốt như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Lược mất rất nhiều thời gian, công sức, ngoài công việc trong gia đình, bất cứ thời gian rảnh ông lại dành hết cho câu lạc bộ, đến nay câu lạc bộ đã mở rộng được số lượng thành viên trên 40 người, định kỳ sinh hoạt hằng tuần, câu lạc bộ đi thi đã đạt nhiều giải cao.
Hơn 20 năm gắn bó với Câu lạc bộ, ông Nguyễn Ngọc Lược không chỉ bỏ thời gian, công sức mà nhiều lần còn tự bỏ kinh phí để trang trải cho Câu lạc bộ bởi ông nghĩ, tiền cũng quan trọng nhưng bao tâm huyết của mình bỏ ra gây dựng nên Câu lạc bộ, khôi phục được làn điệu dân ca quê hương.
Trong những năm qua, ông Nguyễn Ngọc Lược còn đào tạo nhiều người trẻ hát dân ca Xa Mạc, có người còn trở thành diễn viên các đoàn chèo chuyên nghiệp của Trung ương.
Với những đóng góp trong việc khôi phục, phát triển nghệ thuật quê hương, năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú./.