Thanh Lâm là một xã lớn của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Về không gian địa lý, Thanh Lâm cách trung tâm huyện Mê Linh trên 2km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 7 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km về phía Nam. Xã có diện tích tự nhiên 1.256,03 ha, chiều dài trên 9 km. Dân số năm 2020 là 18.806 người. Phía Đông và Đông Bắc giáp thị trấn Quang Minh, thị trấn Chi Đông và xã Kim Hoa; phía Nam và phía Tây Nam giáp xã Đại Thịnh; phía Tây giáp xã Tam Đồng và xã Tiến Thắng; phía Bắc giáp thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Xã có 10 thôn: Đường 23, Mỹ Lộc, Phú Hữu, Ngự Tiền, Đức Hậu, Thanh Vân, Yên Vinh, Phú Nhi, Lâm Hộ và Đồng Vỡ. Nhân dân trong xã chủ yếu sinh sống làm nghề nông nghiệp, một bộ phận làm nghề phụ, dịch vụ, buôn bán, lao động tự do….Xã Thanh Lâm thuộc đơn vị hành chính loại 1, được bố trí 23 định biên; hiện tại có 22 cán bộ, công chức trong định biên; Thực hiện đề án công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, Thanh Lâm được bố trí 7 đồng chí, trong đó: 01 Trưởng công an, 02 phó Trưởng công an, 04 cán bộ công an.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Lâm đã được những kết quả khả quan trên lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi, thiết chế văn hoá ngày càng được hoàn thiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn và trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh.
2. Văn hóa- lịch sử
* Truyền thống lịch sử:
Xã Thanh Lâm có một bề dày lịch sử, có một truyền thống lao động cần cù, một tình đoàn kết thương yêu nhau và giàu lòng yêu nước.
Trải qua các thời kỳ đấu tranh giữ nước, nhân dân Thanh Lâm đã cùng với cả nước chiến đấu giữ nền độc lập. Vào mùa xuân năm 40, nhân dân Thanh Lâm đã rầm rộ hưởng ứng cuộc vùng lên quật khởi của Hai Bà Trưng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã giải phóng hơn 60 thành “dựng lại sự nghiệp họ Hùng”, xây dựng nền độc lập dân tộc với kinh đô Mê Linh, mà Thanh Lâm là một tiền đồn trấn giữ.
Thế kỷ XVIII, bộ máy phong kiến đã trở nên mục nát, sự bất bình, căm phẫn của nhân dân bùng nổ khắp nơi. Các cuộc đấu tranh của nông dân Thanh Lâm chống chế độ phong kiến liên tiếp nổ ra, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo) kéo dài hơn 10 năm. Khi đó, lớp lớp trai tráng Thanh Lâm đã nô nức tham gia khởi nghĩa, đóng đồn, tập trận trên núi Thanh Tước, uy thế lừng lẫy khắp nơi. Đồn Thanh Tước còn gọi là Á kỷ, là đồn ngoài trong hệ thống đồn 3 lớp của Nguyễn Danh Phương và những nghĩa sĩ oai hùng của ông.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, nhân dân Thanh Lâm cùng nhân dân cả nước anh dũng đứng lên chống giặc ngoại xâm, hòa chung với phong trào yêu nước của toàn dân tộc. Nhiều người con Thanh Lâm đã tham gia các cuộc khởi nghĩa của cụ Nguyễn Quang Bích, Hoàng Hoa Thám... Cụ Hoàng Xuân Bách ( người làng Lâm Hộ) tham gia phong trào Cần Vương, được vua Hàm Nghi phong chức Thừa biện Quân vụ và thưởng đồng tiền vàng có lời chúc khắc ở 2 mặt: Phúc như đông hải/ thọ tỉ Nam Sơn. Và rất nhiều người con ưu tú của Thanh Lâm đã tham gia tích cực vào phong tào Đông Kinh nghĩa thục...
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào 03/02/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Thanh Lâm đã từng bước phát triển. Cách mạng tháng Tám thành công đất nước ta giành lại nền độc lập chưa được bao lâu, lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hòng đặt lại nền thống trị một lần nữa. Suốt 9 năm kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Lâm đã góp sức người, sức của cùng với cả nước giành chiến thắng. Vừa chống giặc ngoại xâm vừa xây dựng phát triển kinh tế đưa bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Thanh Lâm luôn là một trong những xã dẫn đầu của huyện về đóng thuế nông nghiệp cho Nhà nước. Cả xã có 63 gia đình cơ sở kháng chiến, nhiều người con Thanh lâm đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân Thanh Lâm có lực lượng chiến đấu tại chỗ lên tới 600 dân quân, lúc cao điểm có 850 người. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy oanh liệt, xã đã tiễn đưa gần 2.000 người con ưu tú vào chiến trường đánh giặc, 42 đồng chí được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng. Hơn thế nữa, trong giai đoạn cách mạng này, Thanh Lâm vẫn là xã điển hình về đóng góp lương thực cho Nhà nước với 550 tấn, chi viện cho chiến trường. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam xảy ra, xã tiếp tục tiễn đưa gần 100 con em lên đường nhập ngũ và 1 đại đội dân công hỏa tuyến gồm 86 người lên huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) phục vụ chiến đấu.
Ngày nay trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng - chính quyền, được sự giúp đỡ to lớn của Trung ương, của Thành phố, của Huyện và cả nước. Đảng bộ và nhân dân Thanh Lâm đã và đang lập nên những thành tích to lớn trong phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội. Thanh Lâm đang lớn lên để trở thành một xã kiểu mẫu trên địa bàn huyện Mê Linh.
* Truyền thống văn hóa:
Cùng với quá trình hình thanh cộng đồng làng xã, các lễ thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng ra đời và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Về tôn giáo: thành phần tôn giáp trong dân cư Thanh Lâm chủ yếu thờ Phật. Các ngôi Đình, Chùa được xây dựng ở các làng không chỉ là nơi diễn ra các lễ nghi sinh hoạt tôn giáo, thờ cúng thần linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Về tín ngưỡng: người dân Thanh Lâm có tục thờ cúng tổ tiên. Tục thờ cúng tổ tiên ở Thanh Lâm khá sâu sắc, gia đình nào cũng có bàn thời gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà; một số dòng họ có nhà thờ tổ. Gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhiều gia đình đã ghi gia phả dòng họ và ngày giỗ tổ họ đã trở thành dịp để con cháu sum họp, củng cố quan hệ thân tộc.
Các làng trong xã còn có tục thờ cúng Thành hoàng làng- thần hộ mệnh của cộng đồng làng xã. Các vị thần được thờ chủ yếu là nhân thần, họ đều là những người có công đánh giặc cứu dân, cứu nước. Mỗi thôn lại có hình thức thờ Thành hoàng làng khác nhau, lễ hội khác nhau, thời gian và cách thức tổ chức lễ hội phụ thuộc vào mỗi vị thánh làng thờ. Trong đó: 5 làng Thanh Tước thờ chung 1 Thành hoàng làng là Trần Minh Hiến, trong đó thôn Mỹ Lộc tổ chức tiệc làng vào ngày 18 tháng 3 (thờ cúng ngày sinh) và ngày 18 tháng 7 (thờ cúng ngày giỗ) của Thành hoàng làng; thôn Phú Hữu tổ chức vào ngày 20 tháng 3 và ngày 20 tháng 7; thôn Ngự Tiền vào ngày 22 tháng 3 và ngày 22 tháng 7; thôn Đức Hậu tổ chức vào ngày 24 tháng 3 và ngày 24 tháng 7; thôn Thanh Vân tổ chức vào ngày 25 tháng 3 và 25 tháng 7; thôn Yên Vinh tổ chức vào ngày 17 tháng 3; thôn Lâm Hộ tổ chức ngày 23 tháng 10; thôn Phú Nhi tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng.
Ở các thôn trong xã trước đây đều có đình và chùa, nhưng trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, một số đình, chùa bị dỡ, phá. Ngày nay, trên địa bàn xã vẫn còn một số đình, chùa, trong đó nổi bật là 5 đình được xếp hạng di tích cấp Thành phố, đó là: Đình Mỹ Lộc, đình Ngự Tiền, đình Phú Hữu, đình Đức Hậu và đình Lâm Hộ.
Không những coi trọng tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần làm Thành hoàng làng, biểu thị đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, từ bao đời nay, nhân dân xã Thanh Lâm đã xây dựng cho mình một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đó là tình yêu quê hương đất nước; cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất; dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; sống yêu thương, nghĩa tình...
Ngày nay, các thế hệ người dân Thanh Lâm dù sống ở quê hương hay khắp mọi miền tổ quốc đều ghi nhớ, giữ gìn và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh “dũng cảm trong chiến đấu, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác và học tập”.
3. Các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Thành phố:
3.1. Đình Phú Hữu
3.2. Đình Ngự Tiền
3.3. Đình Lâm Hộ
3.4. Đình Mỹ Lộc
3.5. Đình Đức Hậu
4. Tiểu sử tóm tắt và nhiệm vụ đảm nhiệm của lãnh đạo UBND xã:
4.1. Đồng chí Nguyễn Văn Giỏi- Chủ tịch UBND xã:
- Tiểu sử: đ/c Nguyễn Văn Giỏi
Sinh ngày 05/03/1967
Trình độ chuyên môn: Đại học
Trình độ lý luận: Trung cấp
- Nhiệm vụ đảm nhiệm:
Chỉ đạo chung: Là người lãnh đạo, điều hành mọi mặt hoạt động của UBND xã cùng tập thể UBND xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Đảng ủy và Hội đồng nhân dân xã; lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của UBND xã, tổ chức thực hiện Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; triệu tập và điều hành các phiên họp của UBND xã, chỉ đạo các hoạt động đối nội, đối ngoại của UBND xã;
Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: Xây dựng chính quyền, tổ chức cán bộ, thi đua- khen thưởng, kỷ luật, tài chính- kế toán, quy hoạch, xây dựng cơ bản, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại- tố cáo.
Làm Chủ tịch HĐTĐKT xã; Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ Quân sự xã, Hội đồng giáo dục Quốc phòng- AN, Hội đồng chính sách; Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng xã; Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã.
Trực tiếp chỉ đạo cán bộ, công chức: Công an, Quân sự, Văn phòng- Thống kế, Tài chính- Kế toán.
Trực tiếp chỉ đạo các thôn: Phú Nhi, Lâm Hộ, Đồng Vỡ
4.2. Đồng chí Trần Ngọc Liễn- Phó Chủ tịch UBND xã:
- Tiểu sử: đ/c Trần Ngọc Liễn
Sinh ngày 01/01/1972
Trình độ chuyên môn: Đại học
Trình độ lý luận: Trung cấp
- Nhiệm vụ đảm nhiệm:
Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: Văn phòng, tín ngưỡng, tôn giáo; Văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền, lao động, thương binh, xã hội, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường; Tư pháp, hộ tịch; Cải cách hành chính; Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực được phân công.
Giúp Chủ tịch theo dõi và chỉ đạo công việc cụ thể, thường xuyên các lĩnh vực: tổ chức cán bộ, an ninh trật tự; công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật; tổng hợp chung tình hình phát triển kinh tế- xã hội của xã.
Xác nhận, ký chứng thực các nội dung theo quy định của pháp luật về chứng thực thuộc thẩm quyền của UBND xã.
Làm Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm xã; Tham gia thành viên Ban chỉ đạo 138 huyện.
Trực tiếp chỉ đạo cán bộ, công chức: Văn phòng- Thống kê, Tư pháp- Hộ tịch, Văn hóa- Xã hội, Đài truyền thanh, Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Hội Chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi; Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
Được chủ tịch ủy quyền điều hành hoạt động của UBND xã.
Theo dõi và chỉ đạo thôn: Ngự Tiền, Trạm y tế, các trường học trên địa bàn xã.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tich UBND xã giao.
4.3. Đồng chí Đỗ Văn Nhon- Phó Chủ tịch UBND xã:
- Tiểu sử: đ/c Trần Ngọc Liễn
Sinh ngày 05/07/1964
Trình độ chuyên môn: Đại học
Trình độ lý luận: Trung cấp
- Nhiệm vụ đảm nhiệm:
Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên- môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thống kê, các hoạt động phát triển nông nghiệp, công tác GPMB các dự án được thực hiện trên địa bàn xã, phòng chống lụt bão, úng, tìm kiếm cứu nạn; Điều hành trực tiếp công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo.
Thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND xã về công tác quản lý đất đai, cấp GCNQSD đất, công tác chuyển nhượng QDS đất trên địa bàn, các vấn đề có liên quan khác về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Trực tiếp chỉ đạo cán bộ, công chức: Địa chính- xây dựng, Văn phòng- Thống kê, Thanh tra xây dựng phụ trách xã, Thú y, Bảo vệ thực vật.
Theo dõi và chỉ đạo các thôn: Thanh Vân, Phú Hữu
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND xã giao.