Huyện Mê Linh

HỒI SINH NHỮNG CUỘC ĐỜI MỚI

10:50 - 22/04/2025

Hiến tạng cứu người là nghĩa cử cao đẹp của gia đình bà Trần Thị Gái ở Xóm A, thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Với nghĩa cử cao đẹp "cho đi là còn mãi", gia đình bà Gái đã vượt qua nỗi đau, quyết định hiến tạng của chồng, của cha để "hồi sinh" những cuộc đời mới.

HỒI SINH NHỮNG CUỘC ĐỜI MỚI- Ảnh 1.

Gia đình bà Trần Thị Gái, thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh

Cho đi là còn mãi!

Đến thăm gia đình vào buổi trưa mưa xuân lành lạnh, thắp nén tâm nhang lên bàn thờ chồng bà Gái, nhìn lên bàn thờ mà tôi không khỏi nghẹn ngào, xúc động. Ngồi tiếp tôi là một người phụ nữ hơn 60 tuổi, với dáng vóc bé nhỏ có làn da ngăm đen trông thật là khắc khổ. Bà là một phụ nữ hiền lành, quanh năm chỉ quanh quẩn với việc nhà, đồng áng đến xe đạp bà cũng không biết đi, cả cái điện thoại bà cũng không biết dùng.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Gái nước mắt lưng tròng, giọng của bà ngắt quãng vì không kìm nén được nỗi đau, nghẹn ngào kể: "Sáng ngày 17/9/2024 (15/8 âm lịch) chồng tôi là ông Đào Văn Nhiệm, 60 tuổi vẫn đi làm phụ hồ như thường lệ. Ông mới đi ra khỏi nhà chưa đầy một giờ thì tôi nhận được tin báo, ông bị tai nạn lao động tại một công trình xây dựng nhà ở thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh. Ông được mọi người đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rồi được chuyển thẳng lên bệnh viện Việt Đức. Tại đây ông được các bác sĩ cấp cứu và tiến hành các xét nghiệm cần thiết nhưng tình trạng vết thương của ông quá nặng, không thể cứu chữa được. Theo các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thì ông đã bị chết não không thể hồi phục được. Tôi đã khóc, cầu xin bác sĩ cứu lấy chồng tôi, giờ cả gia đình đều chỉ trông mong vào ông ấy, ông ấy là trụ cột chính của gia đình. Bác sĩ khuyên gia đình nên hiến tạng của ông để cứu chữa những người bệnh khác."

Trước lời khuyên của các bác sĩ, bà Gái cũng đấu tranh tư tưởng và suy nghĩ rất nhiều. Mong muốn của bà lúc này là cứu chồng mình, mong có một phép màu đến với ông. Đứng trước quyết định có hiến hay là không hiến tạng của chồng đã làm cho bà suy nghĩ rất nhiều, vì ở làng quê còn nhiều định kiến, rào cản, sợ họ nghĩ mình đi bán tạng của chồng,…Tuy nhiên, sau khi nghe bác sĩ giải thích, bà đã hiểu rõ sự việc và đã thắp hương xin phép các bậc tổ tiên cho phép bà hiến tạng của chồng để cứu những người bệnh nặng. Bà đã thuyết phục các con và đưa ra một quyết định trong sự giằng xé tâm can là hiến tạng của chồng mình để ghép cho những người bệnh đang rất cần thay tạng để cuộc sống của họ được hồi sinh.

Bà Gái chia sẻ: "Chồng tôi là người hiền lành, khỏe mạnh. Ông ấy không có bệnh tật gì. Tôi không muốn ông mất đi một cách vô nghĩa, mong muốn trái tim của ông vẫn còn đập trong cơ thể người khác, lá gan và 2 quả thận của ông vẫn còn hoạt động trong cơ thể những người bệnh hiểm nghèo đang chờ ghép tạng. Dù không còn được gặp ông nữa, nhưng tôi cứ nghĩ đến tim, gan, thận của ông vẫn còn hoạt động, tức là chồng tôi chưa mất mà chỉ đang ở quanh đây thôi. Khi tôi đã đặt bút kí vào lá đơn xin hiến tạng chồng mình để cứu người thì tôi không quan tâm đến dư luận."

Bà Gái chỉ là những người nông dân chân chất, hiền lành, quanh năm vất vả với đồng ruộng. Hai người con của ông bà, người bị khuyết tật, người sức khỏe yếu, trí tuệ không minh mẫn. Ông Nhiệm từng là trụ cột của gia đình, nay ông mất đi, gia đình vốn đã khó lại càng thêm khó.

 Gieo mầm sự sống

Nén đau thương, gia đình bà Trần Thị Gái đã đồng ý hiến tặng 5 bộ phận trên cơ thể ông đó là tim, gan, thận, van tim và mạch máu. Bà mong muốn cho dù chồng mình không còn sống nhưng trái tim, lá gan, van tim và các mạch của ông vẫn tiếp tục sống để hồi sinh những người bệnh.

Tin từ Phòng truyền thông Bệnh viện Việt Đức cho biết đã có 04 bệnh nhân được nhận tạng của ông Nhiệm được cấy ghép thành công, sức khỏe ổn định. Trong đó, bệnh nhân nhận thận 1 là nữ T.T.M.H, 47 tuổi ở Hà Nội, đã ra viện ngày 09/10/2024. Bệnh nhân nhận thận 2 là nam T.A.V, 30 tuổi ở Nam Định, đã ra viện ngày 09/10/2024. Bệnh nhân nhận gan là nam N.N.T, 59 tuổi ở Hà Nội, đã ra viện ngày 16/10/2024. Bệnh nhân nhận tim và van tim là nam N.D.P, 30 tuổi ở Nghệ An, đã ra viện ngày 17/10/2024. Còn mạch máu thì vẫn đang được bảo quản ở ngân hàng mô chờ bệnh nhân tương thích để ghép. Vậy là cuộc đời ông Nhiệm đã dừng lại nhưng đã mở ra cuộc sống, sức khỏe, niềm vui cho ít nhất 4 người bệnh khác.

Ông Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh chia sẻ: "Gia đình bà Trần Thị Gái luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn song gia đình đã có nghĩa cử nhân văn, đó là quyết định hiến mô tạng của ông Đào Văn Nhiệm để cứu sống người khác. Nghĩa cử cao đẹp này cần được biểu dương và lan toả trong cộng đồng".

Hiện nay, trên đất nước ta có rất nhiều bệnh nhân trong danh sách chờ được cấy ghép mô, tạng để tiếp thêm sự sống. Đối với họ, sự sống hay cái chết phụ thuộc vào lòng nhân ái của những người hiến. Việc mọi người  đăng kí hiến mô, tạng là rất ít ỏi. Yếu tố văn hoá tâm linh với tư duy cùng những phong tục còn lạc hậu, là những rào cản lớn không dễ gì vượt qua được. Với trái tim đầy tình yêu thương, bằng tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của bà Gái rất đáng trân quý.

Tại lễ phát động phong trào "Đăng kí hiến tặng mô tạng cứu người - cho đi là còn mãi", thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống" vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người. Và gia đình bà Trần Thị Gái với lòng nhân ái, hành động cao đẹp thực sự là tấm gương sáng về người tốt, việc thiện, đã nêu cao tinh thần "cho đi là còn mãi", vượt qua nỗi đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác như lời của Thủ tướng từng căn dặn./.


Đàm Thị Minh