Dự Hội thảo có đồng chí Đào Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị Huyện, Trưởng ban Biên soạn Tập bài giảng; đồng chí Nguyễn Văn Hậu - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cùng các đồng chí thành viên Ban Biên soạn Tập bài giảng.

Đ/c Đào Mạnh Hùng - Trưởng Ban Biên soạn Tập bài giảng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại buổi Hội thảo, đồng chí Đào Mạnh Hùng - Trưởng ban Biên soạn Tập bài giảng cho biết: Trên cơ sở bản thảo đã được đơn vị thực hiện đề án viết trình Ban Biên soạn. Ban Chỉ đạo Biên soạn đã tổ chức 4 lần hội thảo lấy ý kiến, góp ý của các chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo, các ngành, các xã - thị trấn, các cán bộ quản lý Giáo dục và đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn Huyện. Đã có 1.032 người tham gia ý kiến góp ý chỉnh sửa bản thảo, cụ thể: Chuyên gia, Ban chỉ đạo: 20 ý kiến; các ngành, các xã thị trấn: 71 ý kiến; cán bộ quản lý Giáo dục: 103 ý kiến; giáo viên các trường Tiểu học: 639 ý kiến; giáo viên môn xã hội các trường THCS:199 ý kiến. Ban Biên soạn thảo luận đi đến thống nhất về những vấn đề: kết cấu bản thảo, thiết kế bìa, thiết kế dàn trang, tên bài, nội dung chi tiết của từng bài; văn phong, diễn đạt; sử dụng hình ảnh; lỗi kỹ thuật;… Ban biên soạn đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu; tiến hành chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo lần cuối.
Đồng chí Trưởng Ban Biên soạn nhấn mạnh: Tập bài giảng "Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng huyện Mê Linh" nhằm trang bị cho các trường phổ thông trên địa bàn Huyện có tài liệu thực hiện nội dung "Hoạt động trải nghiệm" đối với Cấp Tiểu học; " Giáo dục lịch sử địa phương" đối với cấp THCS để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, Tập bài giảng là bộ tài liệu tham khảo cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Huyện.
Với ý nghĩa đó, đồng chí Trưởng Ban Biên soạn mong muốn các thành viên Ban Biên soạn với sự tâm huyết, trách nhiệm sẽ tiếp tục góp ý, bổ sung, thống nhất hoàn thiện Tập bài giảng để Ban Chỉ đạo Biên soạn báo cáo các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa Tập bài giảng vào giảng dạy trong các nhà trường ngay trong năm học 2023-2024.

Đ/c Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện góp ý tại Hội thảo
Tại Hội thảo lần này, các thành viên Ban Biên soạn đã thảo luận và thống nhất tên gọi, kết cấu, bố cục, nội dung Tập bài giảng. Theo đó, Tên Tập bài giảng là "Tài liệu Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng huyện Mê Linh"; về kết cấu Tập bài giảng được in ấn thành 2 quyển: Quyển dành cho học sinh tiểu học (80 trang), quyển dành cho học sinh THCS (120 trang). Về bố cục và nội dung: Quyển dành cho cấp Tiểu học, nội dung được trình bày theo từng chủ đề, mỗi chủ đề thể hiện được những vấn đề cơ bản về nhân vật lịch sử, văn hoá, tự nhiên và kinh tế của huyện Mê Linh. Cụ thể bài giảng cho từng khối:
Lớp 1: Kể chuyện Hai Bà Trưng
Lớp 2: Di tích lịch sử, văn hoá huyện Mê Linh
Lớp 3: Bản sắc quê hương Mê Linh
Lớp 4: Truyền thống hiếu học
Lớp 5: Mê Linh trên con đường phát triển
Quyển dành cho cấp THCS: Được trình bày theo từng giai đoạn lịch sử của Huyện trong hoàn cảnh chung của đất nước, của khu vực và lịch sử dân tộc. Trong đó đánh giá được những thành công, kết quả nổi bật, chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm rút ra của từng giai đoạn lịch sử. Cụ thể bài giảng cho từng khối học:
Lớp 6: Mê Linh thời tiền sử đến thế kỷ X
Lớp 7: Mê Linh thời kỳ phong kiến (từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIX)
Lớp 8: Mê Linh trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược (từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1930)
Lớp 9: Mê Linh trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo (từ giữa năm 1930 đến nay)
Ngoài các nội dung được trình bày dưới dạng sách giáo khoa, Ban biên soạn tổ chức biên soạn các video có nội dung từng chủ đề cho từng khối lớp, nhằm minh họa cụ thể một số kiến thức trong tài liệu đảm bảo sống động, dễ ghi nhớ.