Huyện Mê Linh

Hơn 200 hộ nông dân, Hợp tác xã huyện Mê Linh tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông

10:14 - 18/10/2023

Sáng 17/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Mê Linh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cho hơn 200 hộ nông dân, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh.

Hơn 200 hộ nông dân, Hợp tác xã huyện Mê Linh tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Dự Diễn đàn có ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội; đại diện lãnh đạo và cán bộ các phòng chuyên môn thuộc của Sở NN&PTNT Hà Nội.

Tham dự Diễn đàn có Ban cố vấn gồm: Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam; PGS.TS. Lê Văn Năm - Ủy viên Trung ương Hội khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp Hội sản xuất và kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam; TS. Ngô Vĩnh Viễn - Nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật; PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Cao Văn Chí - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi - Viện Nghiên cứu Rau Quả.

Đại biểu huyện Mê Linh có đồng chí Nguyễn Trọng Phan - Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Kinh tế Huyện; đồng chí Nguyễn Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Huyện; đại diện lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn thuộc Huyện; lãnh đạo UBND, Chủ tịch Hội nông dân các xã, thị trấn; Giám đốc HTX, Khuyến nông viên cơ sở, chủ trang trại, gia trại và nông dân sản xuất tiêu biểu trên địa bàn Huyện.

Hơn 200 hộ nông dân, Hợp tác xã huyện Mê Linh tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông - Ảnh 2.

Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Vượt qua những khó khăn thách thức của năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là "bệ đỡ" của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố ước tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 20.254 tỷ đồng, tăng 2,17%; thủy sản đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 3,21% (so với cùng kỳ 2022). Tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm và sản lượng trục ôn ý bệnh gia súc, giá tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2023 ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Mặt khác, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Đặc biệt là hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối nông dân với các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là yếu tố cần thiết.

Do đó, "Nhịp cầu nhà nông" đã và đang là cầu nối đưa khoa học, kiến thức thị trường đến gần với người nông dân, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý cập nhật những vấn đề thời sự, những vấn đề mới trong phát triển nông nghiệp cũng như đời sống sản xuất của nông dân.

Hơn 200 hộ nông dân, Hợp tác xã huyện Mê Linh tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông - Ảnh 3.

Các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm và giải đáp câu hỏi của các hộ nông dân

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh ông Nguyễn Trọng Phan thông tin: Huyện Mê Linh hiện có gần 8.100ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại 13 xã giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở quy hoạch, Huyện xây dựng được 135 vùng sản xuất tập trung, gồm 43 vùng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao, diện tích 2.0586ha; 92 vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, với diện tích 3.222ha; 32 vùng trồng cây hằng năm, diện tích 1.673ha; 22 vùng chăn nuôi, trang trại tổng hợp với tổng diện tích 642ha...

Ngoài ra, trên địa bàn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ Japonica tại xã Tam Đồng; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa Lan hồ điệp tại xã Đại Thịnh; mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề tại xã Tam Đồng…

Đặc biệt, huyện Mê Linh phát triển được 75 sản phẩm OCOP (24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao). Dự kiến năm 2023, huyện xây dựng được thêm 30 sản phẩm từ 3 sao trở lên.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế và chưa bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn thấp…

Tại diễn đàn, các hộ nông dân, hợp tác xã được nghe các nhà khoa học trao đổi thông tin, kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp; giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải; trang bị cho nông dân thêm kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống, về những giải pháp để nông dân chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.

Có thể thấy rằng, Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là cơ hội để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa./.


Thuỳ Phạm