Huyện Mê Linh

Huyện Mê Linh: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống

19:23 - 23/11/2023

Trong thời gian qua, huyện Mê Linh luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích trên địa bàn, công tác quản lý, chăm sóc, tu bổ, tôn tạo nâng cấp di tích lịch sử văn hóa cách mạng trên địa bàn, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Huyện.

Thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc

Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Di sản Văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11) hằng năm đã thực sự trở thành ngày truyền thống thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam. Đồng thời, là minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của di sản văn hoá trong dòng chảy hình thành và phát triển của đất nước, của dân tộc.

Huyện Mê Linh: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống- Ảnh 1.

Toàn cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL "Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện" - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hằng năm là "Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam".

Ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của Cấp ủy, Chính quyền và toàn xã hội trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Theo đó, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam.

Giữ mạch nguồn chảy mãi

Huyện Mê Linh - vùng đất cổ "địa linh, nhân kiệt" là quê hương của Hai Bà Trưng (hai nữ Anh hùng dân tộc: Trưng Trắc và Trưng Nhị) cũng là nơi Hai Bà xưng Vương, lập đô sau khi đánh tan giặc ngoại xâm những năm (40-43) sau Công nguyên. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều di tích đã mai một, song vẫn còn đó những dấu tích lịch sử văn hóa, những sản vẫn hiện hữu trong dòng chảy văn hóa bất tận của miền đất lịch sử Mê Linh và trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến thăm quan, thưởng ngoạn.

Trên địa bàn Huyện hiện có 161 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia Đặc biệt; 25 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 56 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Cùng với Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, mỗi tên đất, tên sông, tên làng của Huyện đều gắn với những kỳ tích, giai thoại trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, tạo thành khối di sản văn hóa mang đặc trưng riêng cần được bảo tồn, phát huy.

Dưới lòng đất Mê Linh còn chứa đựng bao điều bí ẩn, bất ngờ về nền văn hóa, văn minh qua các di chỉ khảo cổ học, như: Thành ống (Đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh), thành Dền (xã Tự Lập), thành Vượn (xã Tam Đồng) cùng hàng chục kiến trúc mỹ thuật, đình, đền, chùa, miếu, nghè… được Nhà nước xếp hạng cần quản lý, bảo vệ.

Đồng chí Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh lần thứ XI, Huyện đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch, trong đó một trong những nội dung nổi bật là quy hoạch tổng thể, tập trung đầu tư, chỉnh trang, tôn tạo các di tích. Đến nay, 100% Ban quản lý di tích của thôn đã cử người có uy tín, am hiểu về di tích trực tiếp làm công tác quản lý di tích tại địa phương; đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan thẩm định, đề nghị UBND Thành phố quan tâm tu bổ, tôn tạo đối với 14 di tích. UBND Huyện cũng tiến hành tu sửa cấp thiết 02 di tích xuống cấp gồm: Đình Bạch Đa xã Kim Hoa và Đền Thiên Cổ thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh. Năm 2023, Huyện đã đầu tư 144 tỷ đồng tu bổ 4 di dích gồm: Đình Phú Mỹ xã Tự Lập; Đền Dinh Nguyên xã Tiến Thịnh; Đền Đông Cao xã Tráng Việt; Chùa Linh Quy xã Tiến Thắng.

Song song với công tác bảo tồn, Huyện cũng đẩy mạnh triển khai công tác xếp hạng các di tích trên địa bàn. Năm 2023, Huyện có 03 di tích được Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp Tỉnh, Thành phố gồm: Đình Liễu trì xã Mê Linh; Chùa xã Mạc xã Liên Mạc; Đền Bạch Đa và Mộ Tiến sỹ Đỗ Nhuận xã Kim Hoa.

Huyện Mê Linh: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống- Ảnh 2.

Rước kiệu tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng

Đặc biệt, Huyện luôn quan tâm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng. Đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là di tích lớn nhất của huyện Mê Linh. Ngôi đền không chỉ là nơi thờ phụng, ghi nhớ công lao của Hai vị Vua Bà: Trưng Trắc và Trưng Nhị - Hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc với nhiều di vật, cổ vật quý; nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. Năm 2022, Di tích đền Hai Bà Trưng được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là "Điểm du lịch cấp Thành phố".

Trong những năm qua, UBND Huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích (QLDT) Đền thờ Hai Bà Trưng thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đền Hai Bà Trưng đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Hàng năm, di tích Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh tổ chức Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia) được diễn ra từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để kỷ niệm ngày Hai Bà Tế cờ Khởi nghĩa, giành độc lập cho dân tộc và cũng là dịp để lớp lớp con cháu tự hào, nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc.

Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2023), những người làm công tác quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản Văn hóa trên địa bàn huyện Mê Linh chủ động, tích cực tham mưu thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa; đồng thời tăng cường tu bổ, tôn tạo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Huyện./.


Thùy Phạm