Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các cấp,...
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cùng cán bộ chủ chốt thành phố,…

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Mê Linh.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Mê Linh có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó các ban, phòng, ngành, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội huyện; Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện…
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng gồm: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030".
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Tiếp đó, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày các nhóm chuyên đề gồm: Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TƯ, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp; Kết luận số 150-KL/TƯ ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc với tinh thần rất khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao với những nội dung lớn, cốt lõi. Đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá cho giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đưa đất nước vào bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Nhấn mạnh những nội dung chủ yếu đã được 3 đồng chí lãnh đạo Trung ương truyền đạt tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, ngay trong tuần này, Bộ Chính trị sẽ hoàn thành dự thảo đầy đủ 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng để gửi đến các cấp ủy Đảng tham gia ý kiến và làm căn cứ để xây dựng và hoàn thiện văn kiện đại hội cấp mình. Để vừa kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời hỗ trợ các cấp ủy Đảng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và tổ chức đại hội, Bộ Chính trị đã quyết định phân công 19 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phụ trách các địa phương theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công việc của các địa phương.
Khẳng định đến thời điểm này, về cơ bản, các chủ trương, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đã đầy đủ, bảo đảm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành; Tổng Bí thư đề nghị các cấp, ngành; từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên phương từ Trung ương xuống cơ sở triển khai thực hiện ngay những công việc cần phải làm trong thời gian tới, thể hiện trách nhiệm cao đối với cuộc cách mạng chung của đất nước.
Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11; xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; quán triệt đầy đủ, sâu sắc, tạo được sự thống nhất nhận thức tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và lan tỏa ra toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra.
Đồng thời, phải triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, thực hiện đúng các quy trình, quy định và đúng tiến độ trong thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng, như là trước ngày 30/6/2025, hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025; hoàn thành đại hội Đảng cấp xã trước ngày 31/8/2025; hoàn thành đại hội Đảng cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ bắt đầu quý I/2026; bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp vào tháng 3/2026.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu sâu sắc và tâm huyết; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những bài truyền đạt nhằm giúp các đại biểu và các tầng lớp nhân dân nắm bắt một cách hệ thống toàn diện các nội dung của hội nghị, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, để thực hiện tốt Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, một trong những nguyên tắc quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đã được xác định trong các đề án trình Trung ương là phải giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết, giá trị văn hóa, lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc trước bước ngoặt lịch sử; nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát triển để quyết tâm thực hiện thắng lợi những quyết sách lịch sử, đưa đất nước ta, dân tộc ta vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng. Để làm được điều đó, việc đặc biệt quan trọng là phải tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng và hệ thống chính trị; sự đồng thuận trong nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống.