Huyện Mê Linh

Kính thưa:  Toàn thể Nhân dân, cán bộ và đảng viên trong xã!

10:43 - 18/07/2023

Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Đảng bộ xã Vạn yên (19/7/1948 – 19/7/2023); chương trình truyền thanh hôm nay xin phép dành một phần thời lượng để ôn lại truyền thống quý báu của Đảng bộ và nhân dân xã nhà trong 75 năm lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước.

1. Lịch sử 4000 nghìn năm đã chứng minh lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần độc lập là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam; và thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất. Sự kiện ra đời của Đảng vào ngày 03/02/1930 là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối cứu nước; mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc - có Đảng tiên phong lãnh đạo giành độc lập, tự do cho đất nước.

Tại xã Vạn Yên trước năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, và sau đó là Phát xít Nhật và bè bũ tay sai bán nước, người dân chịu cảnh lầm than với chính sách cai trị hết sức hà khắc; địa chủ, cường hào ra sức bóc lột, Nhân dân mất tự do. Không chịu cảnh nô lệ, cùng với phong trào cách mạng sục sôi của Nhân dân cả nước, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng trăm người dân Vạn Yên đã nhất tề vùng lên lật đổ chính quyền tay sai phản động, xây dựng chính quyền công - nông liên minh, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám "long trời, lở đất", thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Tuy nhiên, không được như các địa phương khác trong huyện, do chưa có Tổ chức Đảng, nên các thế lực phản động, nhất là bọn phản động lợi dụng tôn giáo ra sức quấy phá chính quyền cách mạng non trẻ do nhân dân lập nên.

Trước tình hình đó, ngày 19/7/1948, tại Chùa Yên Nội, chi bộ đảng xã Tam Dân được thành lập (trên cơ sở tách ra từ chi bộ xã Bắc Ái); đồng chí Nguyễn Trọng Vệ được phân công làm Bí thư Chi bộ. Việc thành lập chi bộ đảng đầu tiên là dấu mốc lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân Vạn Yên sau này, là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của địa phương. Từ đây, bộ máy chính quyền xã nhanh chóng được củng cố; các phong trào lớn như "chống thù trong giặc ngoài", "diệt giặc dốt, giặc đói" được phát động mạnh mẽ; các tổ chức quần chúng được hình thành, bước đầu tập hợp và kết nạp những đảng viên tiêu biểu đầu tiên.

Trong giai đoạn mới thành lập, các thế lực phản động đẩy mạnh các hoạt động phá hoại, trắng trợn thủ tiêu cán bộ, cướp phá, gây mất đoàn kết lương - giáo... Tuy nhiên, với chủ trương linh hoạt, mềm dẻo, Chi bộ đảng đã làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của bọn phản cách mạng, đồng thời xây dựng và củng cố lực lượng vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đến cuối năm 1948, Chi bộ đã phát triển lực lượng kết nạp thêm được 23 đồng chí đảng viên mới.

2. Giai đoạn 1949 - 1954 là giai đoạn hết sức cam go, mở đầu bằng sự kiện hợp nhất 02 xã Liên Mạc và Tam Dân thành xã Quyết Tiến (tháng 01/1949) và việc thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Vạn Yên vào tháng 8/1949, chúng đã cấu kết với bọn phản động điên cuồng chống phá cách mạng, với ý đồ biến Vạn Yên thành một cứ điểm mạnh để làm bàn đạp đánh chiếm các địa phương xung quanh, hình thành các vành đai trắng, ngăn cách cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chúng lập ra các cơ quan hành chính, các đồn bốt (01 đồn Tây ở Mai Khê, 01 bốt quận ở Vạn Phúc); lùng sục cơ sở, bắt bớ cán bộ, phân biệt đối xử lương - giáo, ca tụng quân đội Pháp, vu khống Việt Minh, kêu gọi nhân dân chống  lại cộng sản, càn quét, khủng bố, thực hiện âm mưu tái chiếm mở rộng vùng chiếm đóng.

Đối mặt âm mưu của thực dân Pháp, Chi bộ đảng xã đã tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, thi hành kỷ luật đảng viên, đấu tranh chống tư tưởng cầu an, sợ gian khổ.  Về đấu tranh chính trị, chi bộ chủ trương xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng như: Nông hội và Phụ nữ ... để phát động phong trào cách mạng; Về đấu trang vũ trang, chi bộ chỉ đạo thực hiện chiến tranh du kích ngay trong "vành đai trắng", trọng tâm là chống càn; lãnh đạo cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện trên quy mô mới.

Với chủ trương đúng đắn trên, tuy còn non trẻ, nhưng Chi bộ đảng xã Quyết Tiến đã vững vàng lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để rồi, ngày 21/4/1953 là ngày mà người dân Vạn Yên sẽ luôn ghi nhớ - Chiến dịch đánh Bốt Mai Khê thành công, bộ máy ngụy quyền của địch hoàn toàn bị xóa sổ, Vạn Yên (Quyết Tiến thời điểm đó) được hoàn toàn giải phóng, ghi đậm thêm nét son chói lọi trong lịch sử xã Vạn Yên, khẳng định vai trò, uy tín to lớn của đảng trong lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương đầy khó khăn và thử thách.

Suốt 9 năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân xã Quyết Tiến đã chiến đấu hơn 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hang trăm tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng. Ghi nhận những đóng góp của quân dân xã Quyết Tiến, Đảng và Nhà nước đã tặng 39 huân, huy chương các loại cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu cùng nhiều bằng khen, giấy khen cho các gia đình cơ sở kháng chiến đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những thành tích mà đảng bộ Quyết Tiến đạt được là động lực to lớn, cổ vũ và động viên toàn thể cán bộ và nhân dân xã Quyết Tiến bắt tay vào nhiệm vụ cách mạng mới: xây dựng CNXH ở miền bắc và thực hiện nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần thống nhất đất nước.

3. Khi hòa bình được lập lại, đất nước tiếp tục bị chia cắt. Tháng 12/1955, Xã Quyết Tiến được tách ra làm 2 gồm xã Quyết Tiến (xã Vạn Yên ngày nay) và xã Quyết Thắng (xã Liên Mạc ngày nay). Cán bộ và nhân dân trong xã Quyết Tiến phải đương đầu với hàng loạt khó khăn do chiến tranh để lại:

- Về Kinh tế: Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, 250 ngôi nhà bị đốt cháy trong chiến tranh, một bộ phận nhân dân ở trong tình trạng thiếu đói nghiêm trọng, lương thực, giống, vốn và các công cụ sản xuất còn thiếu thốn nhiều, các công trình thủy lợi nhỏ bé, bị hư hỏng nặng.

- Về Chính trị thì tương đối phức tạp. Trong các thôn xóm theo đạo Thiên chúa, các thế lực phản động ra sức tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước với những luận điệu như "miền bắc không được tự do tín ngưỡng" "chúa đã vào Nam",..gây ảnh hưởng đến lòng tin và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xã.

- Về Văn hóa: đa số người dân trong xã mù chữ, cả xã chưa có trường học tập trung. Công tác y tế, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, đồng bóng, bói toán còn rất phổ biến.

Xác định rõ những khó khăn trên, thực hiện nghiêm theo chủ trương của TW của tỉnh và của Huyện ủy, Chi bộ đảng Quyết Tiến đã chỉ đạo từng bước thực hiện mục tiêu cải tạo XHCN, trong đó có nhiều chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp; thực hiện cải cách ruộng đất; Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế tập thể ngày càng phát triển; từng bước xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; phát triển văn hóa - xã hội.

Kết quả, tính đến đầu năm 1962, có 75% số hộ dân vào HTX, 90% ruộng đất trong xã được đưa vào HTX; phong trào văn nghệ phát triển mạnh, trường học đã được hình thành, phần lớn người dân đã biết đọc, biết viết.

Công tác đấu tranh chính trị, vạch trần âm mưu của địch, vận động nhân dân ở lại xây dựng quê hương được chi bộ đặc biệt quan tâm. Phong trào quần chúng khoanh vùng trấn áp bọn phản cách mạng được phát động mạnh mẽ.

Công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể được xã đặc biệt chú trọng. Tính đến đầu năm 1963, toàn chi bộ đã có 57 đảng viên; theo chủ trương của Nghị quyết Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (những chi bộ có trên 50 đảng viên được thành lập đảng bộ), tháng 01/1963 Đại hội thành lập Đảng bộ xã Quyết Tiến được tiến hành, đại hội đã bầu đồng chí Đặng Đình Võ làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Đức Tự bầu làm PBT, Chủ tịch UB hành chính xã. Cũng vào tháng 1/1963, xã Quyết Tiến được đổi tên thành xã Vạn Yên như ngày nay. Việc thành lập Đảng bộ xã là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của tập thể cán bộ, đảng viên trong xã, đủ sức lãnh đạo nhân dân vững vàng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cũng như chi viện tối đa về sức người, sức của cho chiến trường.

Sau 10 năm tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy Yên Lãng, đặc biệt là chi bộ đảng rồi đảng bộ cơ sở Vạn yên đã vượt lên mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích đáng kể như: thực hiện căn bản cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho tập thể, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, góp phần xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.

4. Trong 8 năm (từ 1965 - 1972), đế quốc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc khởi đầu bằng sự kiện vịnh bắc bộ; trước tình hình đó, hội nghị trung ương đảng lần thứ 11, 12 khóa III đã kịp thời đề ra chủ trương, chiến lược, phương châm và biện pháp cách mạng trong tình hình mới. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Yên Lãng, Đảng bộ xã Vạn Yên đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quán triệt sâu sắc các văn kiện của Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng loạt các phong trào cách mạng đã được dấy lên với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "ba sẵn sàng", "tay cày, tay súng",…

Song song với việc làm tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cán bộ, đảng viên và nhân dân Vạn Yên còn làm tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh và động viên sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Đảng bộ xã chỉ đạo sát sao trên cả 3 lĩnh vực: tang năng suất cây trồng, thực hành tiết kiệm, quyết tâm đóng góp vượt mức trên giao. Kết quả trong 3 năm từ 1966-1968, Vạn Yên trở thành 1 trong 3 xã tiêu biểu của huyện Yên Lãng (Vạn Yên, chu Phan, Hoàng Kim) có năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Không chỉ vậy, Vạn Yên còn tích cực triển khai công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; luôn xứng đáng là hậu phương đáng tin cậy, vững chắc cho tiền tuyến lớn.

Trải qua hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xã Vạn Yên đã có 217 người con lên đường nhập ngũ, trong đó 74 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, 22 đồng chí mang thương tật trong mình, 13 đồng chí đi thanh niên xung phong, 250 lượt người tham gia dân quân du kích, phục vụ chiến đấu…đóng góp hàng nghìn tấn thóc và hàng vạn tấn thực phẩm các loại. Với những thành tích đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 442 huân, huy chương các loại cho tập thể và cá nhân của xã.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ xã đã trải qua 19 kỳ Đại hội. Kế thừa và phát huy truyền thống, cùng với sự phát triển chung của cuộc đổi mới, Đảng bộ Vạn Yên tiếp tục nâng cao bản lĩnh, đoàn kết, khắc phục khó khăn để lãnh đạo xã nhà vững bước đi lên và đã giành được những kết quả tương đối toàn diện:

Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện đồng bộ: Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát Đảng được tăng cường; công tác dân vận được đẩy mạnh; công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo; phương thức lãnh đạo của cấp uỷ các cấp được chú trọng đổi mới, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và đặc điểm của từng giai đoạn. Từ 05 đảng viên khi mới thành lập, đến nay Đảng bộ xã có 09 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ, 228 đảng viên, trong đó có 08 đảng viên là người có đạo. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của HĐND và UBND các cấp ngày càng đáp ứng yêu cầu; nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được chú trọng đổi mới, góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dân chủ được phát huy; nhân dân phấn tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền các cấp.

Tổng kết thực tiễn 75 năm xây dựng và trưởng thành, qua 19 kỳ Đại hội, Đảng bộ xã Vạn Yên có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và bổ ích, đó là:

Thứ nhất, xác định nhất quán mục tiêu Chủ nghĩa xã hội, lấy Học thuyết Mác Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động; quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để áp dụng linh hoạt phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Thứ hai, luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh đi đôi với phát triển đảng viên; coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên cả 3 phương diện: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sức mạnh của Đảng bộ không phải chỉ ở số đông của tổ chức đảng và đảng viên mà mấu chốt là ở kỷ luật, kỷ cương trong đảng, ở chất lượng, sự gương mẫu, nhất là cơ quan cấp trên và người đứng đầu.

Thứ ba, chú trọng vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là coi trọng công tác nêu gương trong vận động quần chúng – "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị.

Thực tiễn hoạt động cách mạng của Đảng bộ Vạn Yên đã chỉ rõ: Chỉ khi nào quần chúng được giác ngộ cách mạng, tập hợp thành một lực lượng hùng hậu thì sự nghiệp cách mạng mới thành công. Đảng phải lãnh đạo Chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng chăm lo đến đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của Nhân dân; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu vì hạnh phúc của Nhân dân.

                                                                                                        Tin bài: Đoàn Thị Quỳnh