Làng nghề đa nem thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh hiện có 75 hộ tham gia sản xuất trong đó có nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn như: hộ ông Đỗ Xuân Tuấn, Lê Văn Sửu, Lê Văn Ba, Phan Văn Toàn, Lê Văn Hưng…
Những ngày này, các hộ sản xuất bánh đa nem của thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh đang gấp rút huy động toàn bộ nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong huyện, Thành phố Hà Nội và người dân khắp các tỉnh, thành trong cả nước dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.
Là hộ gia đình gắn bó với nghề làm bánh đa nem hơn 30 năm nay, vào tháng giáp Tết, gia đình ông Đỗ Xuân Tuấn ở thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh đang huy động toàn bộ nhân công làm ngày, làm đêm để kịp đơn hàng phục vụ Tết. Ông Tuấn cho biết, gia đình ông có 2 vợ chồng, ông là lao động chính đảm nhiệm khâu tráng bánh, còn khâu phơi bánh, thu bánh và đóng gói, gia đình ông phải thuê thêm từ 5-10 người dân trong thôn.
Tuy nhiên, vào tháng cuối năm, đơn hàng nhiều nên gia đình ngày nào cũng có từ 10-15 nhân công mới kịp cho khâu đóng gói sản phẩm. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng bánh ra đến đâu là hết đến đó.
Ông Đỗ Xuân Tuấn cho biết: "Việc sản xuất bánh đa nem diễn ra quanh năm, nhưng vụ chính là vào tháng 12. Nếu như ngày thường, gia đình tôi xuất bán được khoảng 2 vạn bánh/ngày thì đến dịp tết, số lượng có thể lên tới 6 vạn bánh/ngày.
Cũng theo ông Tuấn, trong năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ bánh đa nem có phần giảm xuống, nên hoạt động của làng nghề bánh đa nem có trầm hơn mọi năm. Tuy nhiên, từ tháng 10 âm lịch đến nay, thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19, sản xuất của các hộ làm bánh đa nem trong thôn đã diễn ra nhộn nhịp trở lại.
Đặc biệt, dịp gần tết này, khách hàng quen từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam đã kết nối, đặt đơn hàng trở lại. Vì thế, so với thời điểm trong năm, số đơn hàng đặt trước cho tết đã gấp 3-4 lần ngày thường. Mỗi ngày gia đình ông có thể làm ra từ 5 đến 6 vạn chiếc bánh đa nem, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 2 triệu đến 3 triệu từ tiền bán bánh đa nem.
Cũng như gia đình ông Tuấn, gia đình anh Lê Văn Hưng mỗi người mỗi công đoạn, tất bật để kịp làm ra những mẻ bánh đa nem phục vụ nhu cầu cho nhân dân dịp Tết. Người xay bột, người lọc bột, người tráng bánh, người phơi, đóng gói… vậy mà hàng làm ra cũng không đủ để cung ứng cho thị trường.
Anh Hưng cho biết, nghề làm bánh đa nem Trung Hà đã phát triển hơn 30 năm nay, anh được bố mẹ dạy nghề cho từ khi còn rất nhỏ, lên 14-15 tuổi đã tráng bánh thành thạo. Bánh được sản xuất quanh năm, nhưng vào dịp giáp Tết cổ truyền đơn hàng nhiều hơn nên đòi hỏi các hộ dân làm bánh phải dậy từ 3-4 giờ sáng và kết thúc công việc vào tối muộn mới có đủ bánh đa nem phục vụ nhu cầu thị trường. Thời điểm này, gia đình phải huy động thêm 3 nhân công để giúp cho khâu đóng gói sản phẩm. Những ngày tết, anh Hưng thường xuất bán được 2 vạn bánh mỗi ngày.
Bánh đa nem Tiến Thịnh từ lâu được người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành biết đến bởi độ dẻo, dai và mang mùi vị đặc trưng. Chất lượng bánh từ lâu đã được khẳng định về độ dẻo, dai, hương thơm đặc trưng của gạo, bánh có 2 màu sắc trắng sáng và vàng mật, bánh lành lặn, không bị rách nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Cách đóng gói cũng rất tiện lợi với nhiều tập mỏng, dày tùy theo số lượng bánh mỗi tập.
Bánh đa nem Tiến Thịnh ngày thường có giá 20.000-25.000 đồng/100 cái, vào tháng giáp Tết giá cao hơn một chút, từ 25.000-30.000 đồng/100 cái. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường Thành phố Hà Nội, bánh đa nem Tiến Thịnh đã trở thành sản phẩm quen thuộc của người dân các tỉnh, thành trong cả nước.
Chị Nông Thị Hạnh – Người thu mua lượng bánh đa nem lớn để chuyển đi giao buôn cho các cửa hàng tạp hóa và hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn huyện Mê Linh, và các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Thành phố Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ, ngày Tết của mỗi gia đình Việt, đặc biệt là người dân miền Bắc. Bởi thế, để chủ động nguồn hàng phục vụ cho thị trường, tầm tháng 10 âm lịch, chị đã đến các hộ làm bánh đa nem ở thôn Trung Hà đặt các đơn hàng cho tháng Tết. Bánh đa nem Tiến Thịnh có đặc điểm là bánh mỏng, dai và cực kì dễ cuốn, khi rán lại giòn, thơm, không bị nát, bị vỡ, giá cả lại hợp lý nên rất được các chị em nội trợ lựa chọn.
Ông Trần Anh Tân - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước kia, người dân làm bánh đa nem trong xã tráng bánh bằng bếp củi, xay bột bằng tay nên hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây, người dân đã chủ động đầu tư máy nghiền bột, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm bánh đa nem vì thế cũng được cải thiện đáng kể.
Các hộ làm bánh đa nem ở xã Tiến Thịnh đều có ý thức phải giữ được uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương, nên các hộ đều không sử dụng các chất phụ gia độc hại, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đầu ra của sản phẩm bánh đa nem Tiến Thịnh khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài nghề làm bánh đa, nhiều gia đình còn kết hợp với chăn nuôi lợn, gà để tận dụng nguồn phụ phẩm.
Nhờ đó, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ làm bánh đa nem và phát triển chăn nuôi.
Để bánh đa nem Tiến Thịnh thật sự có sức cạnh tranh trên thị trường, năm 2022 UBND xã Tiến Thịnh đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Mê Linh hướng dẫn Tổ hợp tác sản xuất bánh đa nem thôn Trung Hà xây dựng sản phẩm bánh đa nem đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP nhằm đưa sản phẩm bánh đa nem Tiến Thịnh đi xa hơn nữa.
Nhìn những thùng, bao tải chứa đầy bánh đa nem được xếp trên những chiếc xe ô tô tải nhỏ, xe gắn máy nối đuôi nhau đi khắp nơi để cung ứng cho người dân mà như cảm nhận được hương vị của ngày Tết đã đến gần.