Lũ lên nhanh, lãnh đạo huyện Mê Linh chỉ đạo phương án khắc phục ngập lụt ngay trong đêm

10/09/2024 | 16:45

Trong đêm 09/9 và ngày 10/9/2024, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm và đồng chí Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Anh Tuấn cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Mê Linh đã trực tiếp xuống các xã ven sông Hồng để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lớn và nước dâng cao gây ngập lụt.

Lũ lên nhanh, lãnh đạo huyện Mê Linh chỉ đạo phương án khắc phục ngập lụt ngay trong đêm- Ảnh 1.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm và đồng chí Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Anh Tuấn kiểm tra, chỉ đạo phương án ứng phó với mưa lớn tại xã Văn Khê đêm 9/9/2024.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao lục địa tăng cường, ngày và đêm 9/9, trên địa bàn huyện Mê Linh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm; cùng với nước các sông dâng cao đã gây ngập lụt tại những vùng trũng thấp và các xã ven sông Hồng, sông Cà Lồ.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Huyện ủy, UBND Huyện đã ban hành các công điện, văn bản khẩn chỉ đạo các phòng ban, đơn vị thuộc Huyện, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn quản lý người đi lại qua sông, ven sông, đặc biệt là trẻ em, học sinh. Đối với các khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở, dễ tai nạn đuối nước... thực hiện cắm biển cảnh báo, barie rào chắn... đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Theo Phó Chủ tịch UBND Huyện Lê Văn Khương, UBND Huyện đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố về việc ứng phó với mưa, lũ theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời, yêu cầu Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy cần chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp ở bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy có bị ngập lũ.

Yêu cầu dừng hoạt động của bến phà Chu Phan (xã Chu Phan), đồng thời chỉ đạo các các đơn vị liên quan, UBND các xã ven sông Hồng kiểm tra hoạt động của các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.

Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; chỉ đạo di chuyển chất cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; chỉ đạo ngành điện có phương án đảm bảo an toàn về điện.

Chỉ đạo Hạt quản lý đê phối hợp với UBND các xã tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuẩn tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ.

Lũ lên nhanh, lãnh đạo huyện Mê Linh chỉ đạo phương án khắc phục ngập lụt ngay trong đêm- Ảnh 2.

Các đồng chí lãnh đạo Huyện chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân di dời vật nuôi, cây trồng tại xã Tráng Việt.

Theo Chủ tịch UBND xã Văn Khê Lưu Văn Quân, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND Huyện, ngay trong đêm 09/9, Đảng ủy, UBND xã đã vận động, hỗ trợ di chuyển hơn 20 người dân, người lao động tại khu vực bãi nổi sông Hồng đến nơi an toàn. Trong ngày 10/9, xã tiếp tục huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, hội viên các hội đoàn thể, lực lượng dân quân tham gia hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, di chuyển vật nuôi, cây trồng tại khu vực vùng bãi.

Tại các xã Tráng Việt, Đảng ủy, UBND xã huy động các thuyền máy cùng hàng trăm đoàn viên, dân quân tự vệ, công an cơ sở tham gia hỗ trợ người dân di dời được hơn 6 vạn con gà, vịt cùng nhiều rau màu, cây ăn quả,… tại khu vực bãi nổi giữa sông đến nơi an toàn.

Tại Chu Phan, ngay trong đêm 9/9, Đảng ủy, UBND xã huy các lực lượng tham gia hỗ trợ người dân di chuyển 25 con trâu, bò; trong ngày 10/9, tiếp tục hộ trợ người dân thu hoạch chuối, ngô, rau màu và di chuyển các vật tư nông nghiệp tại khu vực bãi nổi.

Lũ lên nhanh, lãnh đạo huyện Mê Linh chỉ đạo phương án khắc phục ngập lụt ngay trong đêm- Ảnh 3.

Các lực lượng hỗ trợ người dân xã Tráng Việt di chuyển vật nuôi tại khu vực bãi nổi.

Theo Bí thư Huyện đoàn Mê Linh Đỗ Hoàng Việt, từ đêm 09/9 đến nay, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Huyện đã huy động toàn thể đoàn viên tham gia hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, thu hoạch hoa màu, vật nuôi. "Có khoảng 500 đoàn viên thanh niên tại tất cả các xã, thị trấn tham gia hỗ trợ người dân 2 xã Văn Khê, Tráng Việt. Các xã ven đê khác (Vạn Yên, Tiến Thịnh, Chu Phan, Hoàng Kim, Thạch Đà, Mê Linh), huy động đoàn viên thanh niên tại chỗ. Các bạn cố gắng hết sức hỗ trợ người dân di chuyển nhanh chóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản."

Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Mê Linh Phan Tuy Hải thông tin: Lúc 6h ngày 10/9/2024, mực nước các Hồng (tại Thanh Điềm, xã Chu Phan) đạt 10m, dưới báo động I (Báo động I: 12,4m); sông Cà Lồ (tại đập Phù Trì, xã Kim Hoa) là 7,95m, lệnh báo động 2 từ 20h00 ngày 9/9.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND Huyện, Xí nghiệp Thủy lợi Mê Linh đã cho vận hành 19 máy bơm với tổng công suất 76.000 m3/h tại các trạm bơm: Tam Báo, Thường Lệ I, Thường Lệ II để phục vụ việc tiêu thoát nước trong khu dân cư, bảo vệ lúa, hoa màu của bà con.

Trưởng Phòng Kinh tế Huyện Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết: Mưa được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới, cùng với việc các hồ chứa thuỷ điện tăng cường xả lũ khiến mực nước trên các sông thuộc địa bàn Huyện lên nhanh. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, bà con cần lưu ý:

Trước khi xảy ra mưa lớn, người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi đang sống để chủ động đối phó; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ lên cao. Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.

Di chuyển các thiết bị điện (cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat, đồng hồ đo điện lên cao hơn mức động dự báo); di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt. Chủ động sơ tán khỏi vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét...

Trong khi xảy ra mưa lớn, người dân cần theo dõi, cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt. Khi có cảnh báo lũ, lụt, sạt lở đất, người dân cần tránh xa các khu vực bị ngập lụt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngay cả khi nước đang rút. Không đi bộ, bơi lội, vớt củi, đánh cá hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết, không di chuyển qua các vùng đang sạt lở, có nguy cơ sạt lở...


Tuyền Thanh

Top