Mê Linh: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý

29/09/2022 | 17:41

Ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Dự, chỉ đạo, quán triệt lớp bồi dưỡng có đồng chí Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư Huyện ủy; đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy.

Mê Linh: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý - Ảnh 1.

Quang cảnh lớp bồi dưỡng

Tham gia lớp bồi dưỡng có các đồng chí là Trưởng, Phó các ban, phòng, ngành, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy trực thuộc Huyện ủy; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện; các đồng chí trong Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn huyện.

Trong buổi sáng ngày 29/9, các đại biểu được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư Huyện ủy quán triệt và truyền đạt nội dung chuyên đề 1 "Một số nội dung trọng tâm cần tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian tới"; nghe đồng chí Đào Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện truyền đạt nội dung chuyên đề 2 "Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 09 ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu nghe đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện truyền đạt nội dung chuyên đề 3 "Một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2022 và trong thời gian tới".

Mê Linh: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý - Ảnh 2.

Đ/c Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư Huyện ủy truyền đạt tại lớp bồi dưỡng

Trong chuyên đề 1 "Một số nội dung trọng tâm cần tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian tới", đồng chí Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh, thời gian qua, với sự vào cuộc sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, nhiều nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện đã được chỉ đạo triển khai có hiệu quả; nhiều vấn đề nóng, bức xúc dư luận đã được tập trung giải quyết, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Nổi bật là đã kiến nghị UBND thành phố, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giải quyết đất dịch vụ cho người dân; tập trung quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai; trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn ghép cho người dân; tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đã thành lập "đường dây nóng" tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và chỉ đạo xử lý nhiều vụ vi phạm gây bức xúc dư luận,.. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cũng đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt, cắt giảm tối đa thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp,…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm đề nghị các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện; các xã, thị trấn; các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra, lập kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tạo tiền đề chuẩn bị sơ kết giữa nhiệm kỳ. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng đề nghị một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác xây dựng Đảng như: công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác cán bộ, quản lý đảng viên, quy hoạch cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; công tác dân vận,… Đồng thời lưu ý, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải tăng cường tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân, lắng nghe ý kiến và tập trung giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân; chủ động nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời tham mưu giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở,…

Mê Linh: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý - Ảnh 3.

Các đại biểu dự lớp bồi dưỡng

Trong chuyên đề 2 "Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 09 ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Đào Mạnh Hùng truyền đạt đã nhấn mạnh: Về quan điểm, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích quốc gia, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố Sáng tạo". Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.

Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.

Đến năm 2045, CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành "Thành phố sáng tạo" của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đáng chú ý, cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, thành phố sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển CNVH, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững.

Mê Linh: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý - Ảnh 4.

Đc Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện truyền đạt tại lớp bồi dưỡng

Truyền đạt nội dung chuyên đề 3 "Một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2022 và trong thời gian tới", đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy Chủ tịch UBND huyện đã tập trung làm rõ một số nội dung như: Tiến độ triển khai các đề án của Huyện ủy để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 (kèm theo 6 chương trình và 27 đề án); Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022; Định hướng phát triển huyện Mê Linh trong những năm tới (Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển thủ đô Hà Nội; trong đó có nội dung đưa huyện Mê Linh trở thành Thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội); Việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô - đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh; Việc phân cấp, ủy quyền,..

Về kết quả thực hiện các Đề án, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, để cụ thể hóa 6 Chuơng trình công tác trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai 27 Đề án nhằm đẩy mạnh xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và nâng cao đời sông Nhân dân trên địa bàn huyện. Ngay sau khi được HĐND thông qua, các phòng, ban, đơn vị liên quan đã dành nhiều thời gian, công sức, tập trung triển khai các Đề án theo kế hoạch và đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhiều mặt, xây dựng huyện ngày càng khang trang, hiện đại theo hướng đô thị.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, song với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, huyện đã bám sát các chỉ đạo của Thành phố và của Huyện ủy quyết liệt triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để từng bước phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Kinh tế duy trì tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; thu ngân sách có nhiều khởi sắc; văn hóa – xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; công tác cải cách hành chính được tập trung quyết liệt; quốc phòng an ninh được củng cố. Đáng chú ý, sau nhiều nỗ lực, đến tháng 6/2022, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Trong những tháng cuối năm, huyện tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội phục hồi kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước cả năm 2022. Đồng thời tích cực triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ công bố, đón nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới; đón nhận Huân chương Lao động Hạng ba và Quyết định công nhận điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chỉ số cải cách hành chính,…

Lớp bồi dưỡng giúp các cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý cập nhật những kiến thức quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nội dung cơ bản Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội; qua đó, vận dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, xây dựng huyện Mê Linh trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô theo định hướng của Bộ Chính trị./.


Nguyễn Tuyền

Top