Chủ động để tránh thiệt hại
Hiện nay, huyện Mê Linh có hơn 5000 ha cây trồng gồm: Ngô, lạc, đậu tương, khoai lang, hoa, rau các loại. Ngoài ra, nông dân các địa phương cũng đang tiến hành gieo mạ phục vụ sản xuất vụ Xuân 2024.
Để bảo vệ cây mạ trong bối cảnh thời tiết bất lợi, những ngày này, HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Mê Linh triển khai các biện pháp giữ ấm, đồng thời điều chỉnh thời gian gieo cấy để tránh thiệt hại.
Ông Nguyễn Thế Lâm - Phó Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Mê Linh chia sẻ: Để cung ứng đủ mạ giống theo hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Huyện, từ đầu tháng 01/2024, HTX đã xuống giống gieo 56.000 khay mạ. Để tránh thiệt hại, HTX tiến hành che phủ nilon đối với 100% diện tích; đồng thời duy trì tưới nước ấm, giữ độ ẩm 70% - 80%. HTX cũng theo dõi diễn biến thời tiết để bố trí lịch gieo cấy cho phù hợp, không tiến hành gieo cấy trong những ngày thời tiết dưới 15 độ C.
Còn tại vùng rau an toàn Đông Cao, xã Tráng Việt, thời tiết rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Ông Võ Ngọc Thông, xóm 2, thôn Đông Cao chia sẻ, gia đình ông hiện canh tác 6 sào với các giống củ cải, cải đông dư, cải ngồng. Thời tiết giá rét khiến thời gian sinh trưởng của rau kéo dài 15 đến 20 ngày; thêm vào đó rau có khả năng bị một số bệnh như nấm, héo rễ, đốm phấn,…. Để tránh thiệt hại, gia đình tiến hành tưới nước, bón tro bếp để giữ ẩm; dừng bón phân, nhất là phân đạm cho rau trong những ngày giá rét. Đồng thời thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây để kịp thời phát hiện, xử lý bệnh hại (nếu có).
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, HTX đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và thông qua các nhóm Zalo, Facebook khuyến cáo bà con không xuống giống gieo trồng trong những ngày này; đồng thời, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây rau. Đối với diện tích rau mới gieo, cần tiến hành che phủ nilon, phủ rơm, rạ, trấu, bón tro bếp và tưới nước giữ độ ẩm 70% - 80%. Đặc biệt lưu ý bà con chỉ bơm tưới nước cho rau vào buổi trưa, tuyệt đối không tưới nước vào sáng sớm và chiều tối. Đối với những diện tích đã đến kỳ thu hoạch, người dân cần thu hoạch sớm, bảo đảm năng suất, tránh thiệt hại.
Không chủ quan, lơ là
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của Huyện đạt 6.300 con, đàn lợn 29.500 con, đàn gia cầm 420.00 con, đàn chó mèo 24.000 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các hộ dân trên địa bàn Huyện cũng chủ động giữ ấm, chăm sóc và phòng bệnh hiệu quả.
Gia đình ông Lưu Văn Trúc, thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập hiện đang nuôi 26.000 con gà đẻ trứng. Những ngày gần đây, thời tiết chuyển rét đậm, để tránh thiệt hại, gia đình ông đã quây kín chuồng trại, tránh gió lùa và thắp điện sưởi ấm cho đàn gà. Gia đình cũng thực hiện nghiêm khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo quy định. Nhờ vậy, đàn gà của gia đình ông vẫn phát triển ổn định, mỗi ngày xuất bán 120.000-125.000 quả trứng, cho doanh thu trên 20 triệu đồng.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, thời tiết miền Bắc tiếp tục có rét đậm, rét hại. Để chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, UBND Huyện đã ban hành văn bản giao các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, không chủ quan, lơ là và không để bị động.
Theo đó, UBND Huyện giao phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, tham mưu UBND Huyện xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả. Cử bộ chuyên môn phụ trách địa bàn cơ sở tiến hành kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng, chống đói, rét, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Giao UBND các xã, thị trấn thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời diễn biến thời tiết và biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi trên hệ thống truyền thanh của địa phương; thực hiện nghiêm việc kê khai sản xuất ban đầu trong chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng và giám sát tình hình dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ gia đình;...
Về các biện pháp chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh khuyến cáo: Đối với cây trồng, bà con cần sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng; tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng từng loại cây. Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, bà con cần phun nước trên mặt lá để làm tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá, nấm, thối nhũn,…
Đối với chăn nuôi, các hộ cần thực hiện che chắn chuồng trại, tránh gió lùa; giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ; thắp đèn sưởi ấm cho đàn vật nuôi, đặc biệt là vật nuôi non, già yếu; chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn khô (rơm, rạ, cỏ khô...), bổ sung vi ta min, muối khoáng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; định kỳ tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh; theo dõi giám sát chặt chẽ sức khỏe và tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Đối với thủy sản, cần giữ mực nước ao nuôi từ 1,5-2m; thực hiện che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon màu sáng hoặc thả bèo tây; bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng, khi nhiệt độ xuống thấp cần hạn chế cho ăn, tranh thủ cho ăn vào những ngày nắng ấm. Đồng thời, các hộ nuôi thường xuyên theo dõi chất lượng môi trường nước, giữ môi trường nuôi sạch để phòng tránh dịch bệnh.
Với sự chủ động của Chính quyền, cơ quan chuyên môn và bà con trong công tác phòng chống đói, rét, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tin rằng, sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh sẽ hạn chế tối đa thiệt hại, tiếp tục tăng trưởng, góp phần nâng cao giá trị ngành kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân./.