Mê Linh đẩy nhanh tiến độ giao đất dân cư dịch vụ
Sau gần 20 năm, đến nay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách giao đất dịch vụ cho người dân tại huyện Mê Linh đã được tháo gỡ. Cả hệ thống chính trị của Huyện đang quyết liệt vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm sớm giao đất dịch vụ cho người dân.
Nỗ lực gỡ "điểm nghẽn" về chính sách
Khi huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (trước ngày 01/8/2008), chính sách đất dịch vụ được thực hiện tại Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND, ngày 22/7/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó quy định các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi được hưởng đất dịch vụ từ năm 2004 trở về sau, mà không tính thời điểm trước đó. Thực tế, phần lớn người dân ở huyện Mê Linh bị thu hồi đất từ đầu năm 2002. Ngoài ra, cũng theo Quyết định này, người dân bị thu hồi đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và khu đô thị tập trung mới được trả đất dịch vụ. Đối chiếu với quy định đó, nhiều hộ gia đình huyện Mê Linh bị thu hồi đất để thực hiện các dự án ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nên không đủ điều kiện giao đất dịch vụ.
Đến ngày 04/02/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ban hành Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND quy định giao đất dịch vụ khi thu hồi đất nông nghiệp không phân biệt loại dự án. Tuy nhiên, thời điểm tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định này, huyện Mê Linh đã sáp nhập về thành phố Hà Nội nên không thực hiện được, vì chủ trương trả đất dịch vụ là của tỉnh Vĩnh phúc, thành phố Hà Nội không có chủ trương này.

Mê Linh bố trí 13 khu đất dịch vụ để chia cho hơn 5.700 hộ dân tại 9 xã, thị trấn. Ảnh minh họa.
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, huyện Mê Linh đã nhiều lần báo cáo, đề xuất, xin chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ cơ chế đặc thù giải quyết đất dịch vụ đối với người dân bị thu hồi đất nông nghiệp được giao trong thời gian từ ngày 01/01/1997 (thời điểm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc) đến trước ngày 01/8/2008 (thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội).
Đồng hành cùng huyện Mê Linh, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần báo cáo, đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để có cơ chế đặc thù giải quyết đất dịch vụ đối với người dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại huyện Mê Linh. Chính vì vậy, đến nay, Huyện đã giao đất dịch vụ được cho 715/6.420 hộ dân, với diện tích 3,8 ha; còn lại 5.705 hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất dịch vụ, tương ứng 24,4ha.
Để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, với tinh thần "khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó; khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết", huyện Mê Linh đã chủ động làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội để tìm "lời giải" cho bài toán đất dịch vụ. Huyện đã có những buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giúp Huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết đất dịch vụ cho 5.705 hộ còn lại. Các đồng chí lãnh đạo Huyện quyết liệt bám sát Trung ương, Thành phố đề xuất cơ chế đặc thù giải quyết đất dịch vụ cho người dân huyện Mê Linh.
Từ sự kiên trì, nỗ lực ấy, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý chủ trương giao đất dịch vụ cho 5.705 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp của huyện Mê Linh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mê Linh là địa phương duy nhất của Hà Nội được Trung ương, Thành phố đồng ý chủ trương giải quyết đất dịch vụ. Đây là thành công rất lớn, là thành quả đáng ghi nhận của Đảng bộ, Chính quyền huyện Mê Linh trong việc lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng Nhân dân trong việc giải quyết việc khó, việc lớn tồn tại, vướng mắc lâu năm, góp phần tạo lòng tin của Nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thỉnh - Tổ dân phố số 3, thị trấn Chi Đông phấn khởi cho biết: "Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết đất dịch vụ cho người dân đã được tháo gỡ. Là một trong những hộ được hưởng chính sách đất dịch vụ, tôi rất vui mừng, phấn khởi, mong sớm ngày được chia đất dịch vụ để gia đình làm ăn buôn bán, ổn định cuộc sống".
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ngay sau khi có văn bản đồng ý chủ trương giao đất dịch vụ của các cấp có thẩm quyền; cả hệ thống chính trị của Huyện đã tích cực vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm sớm giao đất dịch vụ cho người dân. Trên cơ sở tham khảo, học hỏi cách làm của tỉnh Vĩnh Phúc và nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, ngày 11/8/2023 Huyện ủy Mê Linh đã ban hành Đề án số 15-ĐA/HU về "Lãnh đạo, chỉ đạo giao đất dân cư dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh".
Đề án quy định rõ phạm vi giao đất dịch vụ, áp dụng đối với 9 xã, thị trấn bao gồm: Tiền Phong, Tráng Việt, Văn Khê, Kim Hoa, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm; Quang Minh, Chi Đông. Đối tượng được giao đất dịch vụ là các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp hợp pháp được giao theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, bị Nhà nước thu hồi đất trong giai đoạn từ ngày 01/01/1997 đến truớc ngày 01/8/2008 (không phân biệt mục đích sử dụng đất sau khi Nhà nước thu hồi đất.
Diện tích đất dịch vụ được giao tính theo diện tích đất nông nghiệp đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bị thu hồi (thu hồi 360m2 đất nông nghiệp được tính giao 10m2 đất dịch vụ) và số nhân khẩu của mỗi hộ, cá nhân được chốt đến ngày 25/5/2004 (mỗi nhân khẩu được tính giao 02m2 đất dịch vụ), nhưng tối đa không quá 100m2/hộ và mỗi hộ chỉ được giao một lần.
Vừa qua, các đồng chí Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp quán triệt, tuyên truyền, triển khai nội dung Đề án số 15- ĐA/HU của Huyện ủy đến cán bộ chủ chốt của Huyện, các xã, thị trấn và cán bộ thôn, Tổ dân phố. Ngoài các buổi quán triệt tại Hội trường Huyện, các đồng chí Thường trực Huyện ủy còn tổ chức các buổi quán triệt triển khai tại các xã, thị trấn. Quá trình quán triệt nội dung Đề án số 15-ĐA/HU, đã kết hợp tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chính sách đất dịch vụ; những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết đất dịch vụ; sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực của Huyện trong việc đề nghị Trung ương, Thành phố giải quyết đất dịch vụ; sự thận trọng, khẩn trương, quyết liệt của Huyện trong việc giải quyết đất dịch vụ cho người dân.

Đ/c Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm quán triệt, triển khai Đề án số 15-ĐA/HU của Huyện ủy về giao đất dân cư dịch vụ cho cán bộ chủ chốt.
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng yêu cầu các tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đưa nội dung giải quyết giao đất dân cư dịch vụ vào sinh hoạt Chi bộ thường kỳ của các thôn, Tổ dân phố để tạo sự đồng thuận và để người dân giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Xác định công tác giao đất dân cư dịch vụ cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện; Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp Huyện; Đảng ủy các xã, thị trấn có đất dịch vụ thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về công tác giao đất dịch vụ cho Nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Anh Tuấn cho biết: Để triển khai Đề án số 15-ĐA/HU của Huyện ủy, ngày 14/9/2023, UBND Huyện đã ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND triển khai thực hiện giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn trong triển khai nhiệm vụ giao đất dân cư dịch vụ.
UBND Huyện thành lập Hội đồng xét duyệt và Tổ công tác cấp Huyện; UBND các xã, thị trấn có đất dịch vụ thành lập Tổ công tác cấp xã và các Tổ công tác ở từng thôn, Tổ dân phố để triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thông tin, tuyên truyền, rà soát, kê khai, thống kê, tổng hợp các trường hợp được giao đất dịch vụ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ; phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện phương án giao đất dịch vụ; phối hợp thực hiện quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân được giao đất;… đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định, tránh xatr ra sai sót, khiếu kiện không đáng có.
Về lộ trình giao đất dịch vụ cho Nhân dân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện Trần Nguyễn Ngọc cho biết, năm 2024 phấn đấu hoàn thành công tác rà soát, công khai số liệu; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vị trí đất dịch vụ; tiến hành các bước giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ và tổ chức giao đất dân cư dịch vụ cho người dân ở các địa phương đã có hạ tầng đất dịch vụ. Năm 2025 và các năm tiếp theo, tiếp tục xây dựng hạ tầng các khu dịch vụ và tổ chức giao đất dịch vụ cho Nhân dân.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Huyện Phùng Đình Quý cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UNND Huyện, đơn vị phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND 9 xã, thị trấn xây dựng dự thảo quy hoạch 13 khu đất dịch vụ, đưa ra lấy ý kiến Nhân dân. Sau khi Nhân dân đồng thuận, Huyện sẽ tiến hành đầu tư hạ tầng cơ bản trước khi tiến hành giao đất thực địa cho người dân./.