Huyện Mê Linh

Mê Linh: Hiệu quả tích cực từ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

09:11 - 17/07/2024

Thực hiện kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội và UBND huyện Mê Linh về đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Y tế huyện Mê Linh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng của người dân.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại như: Triển khai hệ thống lấy số khám bệnh tự động, tự gọi bệnh nhân vào khám; sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh và quản lý bệnh nhân;...

Mê Linh: Hiệu quả tích cực từ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế- Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh.

Theo Bác sĩ CKII. Trần Quang Trịnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh: Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngay từ năm 2021, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, kết nối hệ thống phần mềm với ngân hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các phương thức: quét mã QR Code (Quick Response), chuyển khoản (Mobile banking),… Ngoài ra, từ cơ sở dữ liệu của chương trình "Khám, quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn huyện Mê Linh", Bệnh viện đã tích hợp thông tin với hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử giúp người dân có thể thanh toán thông qua hồ sơ điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới mô hình "Bệnh viện thông minh".

Trước đây, tại khu vực thanh toán viện phí, số lượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đứng xếp hàng chờ rất đông, tạo áp lực cho cả cán bộ y tế và người dân. Từ khi áp dụng phương thức thanh toán bằng QR Code, khu vực thanh toán viện phí đã thông thoáng, bệnh nhân và người nhà không phải chờ đợi lâu. Bà Trần Thị Hoa, 56 tuổi, xã Vạn Yên chia sẻ: "Cách đây mấy năm, tôi phải chờ khá lâu để xếp hàng nộp tiền viện phí. Từ khi Bệnh viện thực hiện thanh toán bằng quét mã QR, tôi thấy thủ tục nhanh chóng, thuận tiện và an toàn".

Bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh cho biết: Từ khi triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR đã giúp cho bộ phận kế toán, tài chính kết nối hạch toán tốt các nguồn thu viện phí, giảm thiểu đáng kể giấy tờ, thủ tục kiểm đếm tiền mặt, nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Mê Linh, từ năm 2022, đơn vị đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua 2 phương thức: chuyển khoản (Mobile banking) và quét mã QR. Đến nay, 100% các phòng khám tại Trung tâm, Trạm Y tế các xã, thị trấn triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, giúp thuận tiện cho người dân.

Bà Phạm Thị Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Huyện cho biết: Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Sở Y tế Hà Nội và UBND huyện Mê Linh, Trung tâm Y tế Huyện đã phối hợp với các Ngân hàng triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua chuyển khoản và quét mã QR.

Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt có nhiều ưu điểm, tiện ích; giúp giao dịch của người dân diễn ra nhanh chóng, an toàn, thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi; đồng thời còn giúp đơn vị y tế dễ dàng kiểm soát theo hướng minh bạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Y tế của Huyện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do nhiều bệnh nhân là người cao tuổi chưa có điện thoại thông minh hoặc có nhưng chưa sử dụng ứng dụng chuyển khoản hoặc ngại thay đổi,…

Bà Hạ Thị Hương - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Y tế huyện Mê Linh cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế là nhiệm vụ khó, đòi hỏi quá trình thực hiện liên tục, lâu dài. Thời gian tới, Phòng Y tế sẽ tham mưu UBND Huyện chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị y tế đa dạng hóa ứng dụng phần mềm thanh toán như: Viettel Money, VNPT Pay, Zalo Pay, Ví Momo, thanh toán bằng máy POS ( Point of Sale),…nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, phục vụ công tác chuyển đổi số của Huyện trong lĩnh vực y tế.

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp Chính quyền và sự phối hợp của các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan, ngành Y tế huyện Mê Linh bước đầu đạt được những kết quả tích cực trong triển khai hệ thống thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt, đem lại "lợi ích kép" cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.


Trịnh Hường