Mê Linh nỗ lực ngăn chặn tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch

25/05/2023 | 14:39

Hiện nay, nông dân huyện Mê Linh đang bước vào thu hoạch lúa Xuân 2023. Đây cũng là thời điểm câu chuyện đốt rơm, rạ lại được đặt ra. Tuy không mới, nhưng đốt rơm rạ là vấn đề đáng quan tâm, bởi nó gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe và cuộc sống của người dân, đồng thời còn gây lãng phí đáng kể.

Đốt rơm, rạ - Tác hại khôn lường

Theo các nhà khoa học, việc đốt rơm, rạ trên đồng ruộng gây tác hại tiêu cực với môi trường và cuộc sống người dân. 

Mê Linh nỗ lực ngăn chặn tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch - Ảnh 1.

Không đốt rơm, rạ để bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, khi đốt rơm, rạ sẽ tạo ra các hạt bụi nhỏ, bò hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2...dễ  đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Khói rơm, rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích ở họng, hít khói rơm nhiều gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính ảnh hưởng không tốt đến đường hô hấp của con người. Khói do đốt rơm, rạ sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...

Cùng với đó, việc đốt rơm, rạ trong thời tiết nắng nóng sẽ khiến bầu không khí thêm oi bức, khó chịu; nghiêm trọng hơn còn làm giảm tầm nhìn của người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Việc đốt rơm, rạ trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.

Ngoài ra, việc đốt rơm, rạ và các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm gia tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm, rạ trên đồng như: Người dân không có nhu cầu sử dụng rơm nên đốt để lấy tro bón ruộng; việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm, rạ thành phân bón chưa thật sự thuận tiện, mất nhiều công sức nên nông dân chưa mặn mà. Mặt khác, việc cung ứng chế phẩm sinh học chưa rộng rãi nên người dân khó tiếp cận. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý hành vi đốt rơm, rạ còn nhiều khó khăn, vướng mắc;…

Tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, xử lý

Để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định. Trong đó nêu rõ, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, bảo đảm từ ngày 01/01/2021 không còn hoạt động đốt rơm, rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn.

UBND Thành phố yêu cầu các Quận, Huyện, Thị xã, phường, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác xử lý rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường…

 Thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND Thành phố, UBND huyện Mê Linh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn triển khai đồng loạt nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng đốt rơm, rạ và phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND Huyện Trần Thanh Hoài, để ngăn chặn tình trạng đốt rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch, UBND Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đối với môi trường và sức khỏe người dân trên hệ thống truyền thanh của Huyện, xã; thông qua các cuộc họp dân tại thôn, tổ dân phố. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Hội đoàn thể tổ chức cho hội viên, đoàn viên ký cam kết không đốt rơm, rạ; đăng ký xây dựng mô hình thu gom và xử lý rơm, rạ làm phân bón hữu cơ, làm nguyên liệu che phủ cho các vùng trồng cam, bưởi, giá thể trồng nấm…

Bên cạnh đó, UBND Huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi đốt rơm, rạ.

Tại xã Tự Lập, ông Trần Văn Huệ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm, rạ; UBND xã chỉ đạo các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Trưởng thôn vận động các thành viên, hộ gia đình ký cam kết không đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định xử phạt đối với các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường,…

Nhờ những nỗ lực kể trên, tình trạng đốt rơm, rạ, phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh thời gian qua đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn, vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức chấp hành của người dân.

Theo các chuyên gia, rơm rạ là phần phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên. Nếu biết cách sử dụng hiệu quả rơm rạ, có thể biến rơm rạ thành nguồn nguyên liệu mới như làm phân bón hữu cơ, phân bón nhả chậm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay trồng nấm…

Quy định mới của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó hành vi đốt rơm, rạ, phê phẩm nông nghiệp ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt nặng.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nêu:

Khoản 1, Điều 41 của nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Điều 41 cũng quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.

Ngoài các mức phạt trên, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường từ 9 tháng đến 12 tháng; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

 

Nguyễn Tuyền

Top