Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này tập trung vào 8/120 điều nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Các nội dung này có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và sự vận hành của hệ thống chính trị, nhận được sự quan tâm lớn trong các tầng lớp nhân dân.
Nhiều hình thức tham gia thuận tiện, thiết thực
Để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, người dân có thể góp ý trực tiếp ở ứng dụng VNeID trên điện thoại hoặc góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ; gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến.

Đông đảo người dân huyện Mê Linh tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNelD
Tại huyện Mê Linh, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về lấy ý kiến của Nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 2013, huyện đã và đang chỉ đạo các phòng, ban, ngành thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thời gian lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6/5/2025 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.
Hiện các xã, thị trấn, cơ quan, đoàn thể trong huyện đã và đang triển khai nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến rộng rãi đến người dân. Tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, bản in dự thảo đã được niêm yết công khai. Các buổi họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ, họp các đoàn thể đều lồng ghép nội dung lấy ý kiến vào chương trình sinh hoạt.
Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Bộ công an đã triển khai cho người dân tham gia đóng góp ý kiến trên ứng dụng VnelD.
Thông tin hướng dẫn cách tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNelD đang được Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phối hợp với tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn thanh niên các thôn hỗ trợ, hướng dẫn người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, chưa thành thạo sử dụng công nghệ, chưa thành thạo sử dụng ứng dụng VNeID để thực hiện quyền góp ý, sửa đổi bổ sung xây dựng Hiến pháp.
Những ngày này Công an xã Tiến Thịnh đang tích cực phối hợp với tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn thanh niên của 7/7 thôn của xã hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNelD để tham gia góp ý, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Thiếu tá Dương Quang Phúc - Trưởng Công an xã Tiến Thịnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch của Công an Thành phố về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID, Công an xã đã triển khai trực tiếp tuyên truyền và hướng dẫn tại các cơ quan, trường học và từng hộ gia đình sử dụng tài khoản định danh mức 2 để tham gia đóng góp ý kiến, đảm bảo có tối thiểu 90% người dân có tài khoản định danh mức 2 tham gia góp ý kiến. Tính đến sáng 20/5, toàn xã Tiến Thịnh đã có 1.253 lượt người dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng NelD
Người dân đồng thuận cao
Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an thành phố Hà Nội, tính đến 9 giờ sáng ngày 21/5, toàn Thành phố đã thực hiện góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua VNeID được 474.813 trường hợp, đạt tỷ lệ 8%. Huyện Mê Linh đã có 12.739 người tham góp ý, một số xã, thị trấn của huyện người dân tham gia đóng góp ý kiến với tỷ lệ cao là Tiền Phong 19,18%; thị trấn Quang Minh 18,17%, Đại Thịnh 15%; Tiến Thịnh 14,53%...
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm đổi mới, sát thực tế, thể hiện tinh thần dân chủ, pháp quyền và phát triển bền vững. Người dân trên địa bàn huyện Mê Linh bày tỏ sự đồng tình cao với những nội dung trọng tâm của dự thảo này.
Ông Nguyễn Văn Bảy - người dân thôn Do Hạ, xã Tiền Phong bày tỏ: Hiến pháp là nền tảng của luật pháp và của sự phát triển bền vững. Tôi thấy rất mừng vì người dân như chúng tôi được tham gia đóng góp ý kiến vào Văn bản quan trọng này của đất nước. Tôi đã góp ý tán thành nội dung dự thảo vì thấy rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.

Công an xã Tiền Phong hướng dẫn, hỗ trợ người dân góp ý sửa đổ Hiến pháp trên ứng dụng VNelD
Tìm hiểu về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chị Đỗ Thị Thùy Phương - thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh nhận xét, dự thảo này có các quy định giúp xây dựng bộ máy hiệu quả, phục vụ dân tốt hơn.
"Dự thảo nêu đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không quy định chi tiết tên gọi từng cấp như Hiến pháp năm 2013). Như vậy sẽ tạo thuận lợi, linh hoạt, chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện, tránh thủ tục hành chính rườm rà" – chị Phương dẫn chứng.
Việc góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cơ hội để người dân Mê Linh nói riêng và người dân cả nước nói chung thể hiện tiếng nói của mình trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, mỗi ý kiến dù nhỏ cũng góp phần làm nên một bản Hiến pháp hoàn thiện, dân chủ và hợp lòng dân.