Mê Linh: Sâu nặng nghĩa tình "Đền ơn đáp nghĩa"

26/07/2022 | 19:46

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh là một địa bàn chiến lược quan trọng ở vùng châu thổ sông Hồng. Người dân Mê Linh không những cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, mà còn anh dũng, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh chống kẻ thủ xâm lược, bảo vệ quê hương, đất nước.

Truyền thống anh hùng

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều gia đình ở Lâm Hộ, Tráng Việt, Hạ Lôi, Nội Đồng, Gia Thượng, Yên Bài,.. đã dũng cảm bảo vệ nuôi giấu cán bộ trong điều kiện địch truy quyét và lùng sục gắt gao. Tháng 8/1942, chi bộ Đảng Lâm Hộ - Thanh Lâm được thành lập. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng Yên Lãng - Phúc Yên, đã tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào ủng hộ Việt Minh của nhân dân Mê Linh.

Những năm 1947, các làng: Yên Nhân (Tiền Phong), Thạch Đà (Thạch Đà) được xây dựng thành làng chiến đấu đánh giặc; riêng làng Yên Nhân (Tiền Phong) là 1 trong 2 làng chiến đấu kiểu mẫu toàn tỉnh. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Mê Linh đã chiến đấu 3.258 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt 4.605 tên địch, thu hàng nghìn súng các loại; đã động viên hàng nghìn thanh niên nhập ngũ và dân công hỏa tuyến chiến đấu trên khắp chiến trường cả nước, đóng góp hàng nghìn tấn gạo, hàng triệu đồng cho kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn người con của quê hương Hai Bà Trưng đã lên đường cầm súng chiến đấu trên các chiến trường cả nước và các chiến trường ở Đông Dương để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng, cao cả. Trong số đó, 2.584 người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống; hàng chục gia đình có con độc nhất vĩnh viễn ra đi, mãi mãi không trở về; hàng vạn người đã để lại một phần xương máu trên chiến trường; hàng trăm bà mẹ đã hy sinh những người con của mình để Tổ quốc được nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Mê Linh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Đảng bộ và Nhân dân huyện Mê Linh và các xã, thị trấn: Tráng Việt, Tiền Phong, Thanh Lâm, Tự Lập, Tiến Thịnh, Văn Khê, Chi Đông, Quang Minh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của các Anh hùng như: Lưu Quý An, Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Văn Tắc, Phùng Quang Thanh, Trần Thị Bích Thảo, 174 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng hàng ngàn liệt sỹ, thương bệnh binh và người có công khác mãi trở thành niềm tự hào của nhân dân huyện Mê Linh; góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng bất khuất của quê hương Hai Bà Trưng.

Mê Linh: Sâu nặng nghĩa tình "Đền ơn đáp nghĩa" - Ảnh 1.

Đ/c Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thăm, tặng cụ Nguyễn Thị Giá – Sinh năm 1922, Cán bộ tiền khởi nghĩa xã Mê Linh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mê Linh còn 3.230 đối tượng chính sách, trong đó có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 cán bộ lão thành cách mạng, 4 cán bộ tiền khởi nghĩa, 860 thương binh, 462 bệnh binh, 740 người nhiễm chất độc hóa học; hơn 1.000 thân nhân liệt sỹ và hàng trăm trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định của Nhà nước.

Sâu nặng nghĩa tình "Đền ơn đáp nghĩa"

Phát huy đạo lý truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước, nhớ nguồn" của dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh luôn thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, thấm đậm nghĩa tình dành cho các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về an sinh xã hội, triển khai nhiều hoạt động tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng những việc làm thiết thực thông qua các phong trào như xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và đỡ đầu con liệt sỹ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm, đạo lý đối với những người đã chịu nhiều mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với quyết tâm không để hộ chính sách nào phải sống trong ngôi nhà dột nát, huyện tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công, thân nhân người có công có khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, toàn huyện đã có 568 hộ chính sách được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 315 hộ xây mới, 243 hộ sửa chữa với tổng kinh phí 33,5 tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ chính sách thuộc hộ nghèo; 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Từ nguồn ngân sách và xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; huyện Mê Linh đã tiến hành sữa chữa, tôn tạo hầu hết công trình ghi công, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ; qua đó góp phần làm tăng vẻ mỹ quan, tạo không gian trang nghiêm để mọi người đến thăm viếng, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ. 

Mê Linh: Sâu nặng nghĩa tình "Đền ơn đáp nghĩa" - Ảnh 2.

Đoàn Thanh niên xã Tiền Phong thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang xã Tiền Phong

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với các đối tượng dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; những năm qua, Ban CHQS huyện Mê Linh đã xét và đề nghị cấp trên xét quyết định chi trả trợ cấp 01 lần cho 14.883 đối tượng với số tiền 59,2 tỷ đồng.

Các cấp, các ngành của huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tìm kiếm, quy tập, đón được hàng trăm liệt sỹ trở về với đất mẹ Mê Linh. Đến nay, huyện đã lập hồ sơ đối với 3.060 liệt sỹ; trong đó, 2.560 liệt sỹ an táng tại nghĩa trang liệt sỹ của các xã, thị trấn.

Kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ năm nay (27/7/1947 – 27/7/2022), huyện Mê Linh đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa; triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, chu đáo để tri ân các đối tượng, gia đình có công. Huyện tặng 9 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 90 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá 2 triệu đồng cho các thương binh từ 81% sức khỏe trở lên và thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.

Cấp 4.544 suất quà của Chủ tịch nước và thành phố Hà Nội với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng cho các đối tượng người có công theo quy định; Phối hợp với Trung tâm điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội tổ chức 03 đợt cho 235 đối tượng đi điều dưỡng; Tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 1000 đối tượng chính sách.

Huyện tổ chức đoàn các lãnh đạo Huyện uỷ - HĐND -UBND huyện dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chủ Minh; viếng nghĩa trang liệt sỹ tại các xã, thị trấn và trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công, gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức gặp mặt đối tượng chính sách tiêu biểu; tổ chức đoàn lãnh đạo huyện đi thăm Thành cổ Quảng Trị và viếng nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn.

Mê Linh: Sâu nặng nghĩa tình "Đền ơn đáp nghĩa" - Ảnh 3.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 - tháng 7/2022

Các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể huyện; các xã, thịt trấn cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện cũng chung tay tri ân gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm thiết thực.

Mê Linh: Sâu nặng nghĩa tình "Đền ơn đáp nghĩa" - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội LHPN huyện thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thu, xã Hoàng Kim

Thời gian tới, các cấp, các ngành của huyện Mê Linh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công bằng những việc làm thiết thực. Đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sỹ và những người có công với nước; biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực. Đồng thời, cũng thúc đẩy thế hệ trẻ hôm nay phát huy tinh thần cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng quê hương cách mạng Mê Linh ngày càng văn minh, giàu đẹp./.


Nguyễn Tuyền

Top