Huyện Mê Linh

Mê Linh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

15:48 - 19/09/2023

Để chủ động ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, đồng thời cung nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường, huyện Mê Linh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh.

Mê Linh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh tiêm vắc - xin phòng bệnh cúm gia cầm tại xã Văn Khê. Ảnh Lê Phượng.

PV: Xin bà cho biết tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của huyện Mê Linh, thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Chinh: - Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của huyện Mê Linh là 6.725 con, đàn lợn 32.874 con, đàn gia cầm 745.695 con, đàn chó mèo 24.059 con. Chăn nuôi trên địa bàn Huyện chủ yếu quy mô nông hộ, nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Để hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh trên đàn vật nuôi, 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã phối hợp phòng Kinh tế tham mưu UBND Huyện ban hành 14 văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và tiêm phòng, phun khử trùng môi trường, quản lý vắc xin, vật tư, quản lý giống và sản xuất giống vật nuôi. Trung tâm cũng chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kỹ thuật tiêm phòng, phun khử trùng, các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm; phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, phối hợp với nhân viên thú y xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Huyện đã triển khai 02 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả, đã tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục cho hơn 6.500 con trâu, bò (đạt 100% kế hoạch); tiêm vắc- xin phòng bệnh lở mồm long móng, dịch tả Nhật, tai xanh cho gần 5.700 con lợn nái, lợn đực giống (tăng 8% so cùng kỳ); tiêm vắc-xin phòng dại cho 18.800 con chó, mèo (tăng 35,6% so cùng kỳ).

Cùng với đó, Huyện cũng tổ chức triển khai 05 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, sử dụng 6.350 kg hóa chất phun cho 8.750.000 m2 khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nơi nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh. Qua đó, góp phần tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi và môi trường sinh thái.

PV: Tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện Mê Linh thời gian qua diễn biến ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Chinh: - Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Huyện cơ bản ổn định, được kiểm soát. Các loại bệnh thông thường xảy ra với tính chất lẻ tẻ, tỷ lệ ốm, chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. Cụ thể, đàn trâu, bò chủ yếu mắc bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi. Đàn lợn chủ yếu mắc các bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy và các bệnh khác do thời tiết. Đàn gia cầm chủ yếu mắc các bệnh Newcastle, tụ huyết trùng, dịch tả vịt, Gumboro;..

Ngoài ra, cuối tháng 6/2023, trên địa bàn thôn Liễu Trì, xã Mê Linh xảy ra bệnh dại ở chó. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã tham mưu UBND Huyện tổ chức các biện pháp bao vây, khoanh vùng và nhanh chóng khống chế, dập tắt được ổ dịch. Toàn bộ đàn chó, mèo của xã Mê Linh nói riêng và các địa phương khác trong toàn Huyện nói chung đã được tiêm phòng bổ sung vắc- xin phòng bệnh dại, qu đó đã tạo miễn dịch bảo vệ.

Mê Linh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh phun thuốc khử trùng chuồng nuôi tại xã Liên Mạc. Ảnh Lê Phượng.

PV: Bà dự báo thế nào về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Chinh: - Thời gian tới, người chăn nuôi sẽ tập trung tái đàn để bảo đảm nguồn cung thực phẩm tăng cao dịp cuối năm. Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát sinh, phát triển. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi rất cao.

Mê Linh là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ. Các ổ dịch cúm gia cầm hầu hết đều xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm, trong khi tổng đàn gia cầm thương phẩm trên địa bàn chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài ra, dịch tả lợn Châu Phi hiện đã xuất hiện tại một số địa phương trong cả nước và thành phố Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn Huyện.

PV: - Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, Huyện sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Chinh: - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Huyện phối hợp với Phòng Kinh tế tham mưu UBND Huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố; trong đó, tập trung chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm... Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn;...

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Huyện cũng hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chuồng nuôi và những nơi có nguy cơ cao. Mặt khác, tham mưu UBND Huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm,...

PV: - Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Tuyền