
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cùng các cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong toàn hệ thống chính trị và đông đảo cán bộ, đảng viên. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối tới 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc với sự tham gia của 1.441.261 đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên.
Tham dự tại điểm cầu huyện Mê Linh có đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, UBND Huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện; Bí thư các Chi, Đảng bộ khối cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trực thuộc Huyện ủy; Trưởng, Phó các ban, phòng, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Huyện; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Dự Hội nghị tại điểm cầu 18 xã, thị trấn có các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Mê Linh.
Hội nghị diễn ra trong thời gian 1,5 ngày (trong đó, 01 ngày nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; 0,5 ngày dành cho các tỉnh, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết).
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân
Tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc" gồm các nội dung: Tóm tắt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lý do Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 43- NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; giới thiệu về những nội dung chủ yếu Nghị quyết số 43 - NQ/TW, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề Trung ương làm rõ hơn về đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức thực hiện.
Theo đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khái quát lại những kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở. Nhân dân tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong điều kiện mới, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt quan điểm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhấn mạnh, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Vì thế, theo Chủ tịch nước: "Mỗi người có suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng một cách riêng của mình, nhưng điểm chung nhất để hội tụ mọi người Việt Nam yêu nước thì lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng. Đường lối cơ bản, mục tiêu phát triển là phải thống nhất, lấy mục tiêu xây dựng đất nước, phồn vinh hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao là mục tiêu để tập hợp".
Chủ tịch nước nêu rõ, phương thức quan trọng để phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là: Đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời nhấn mạnh, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng giữ vai trò quan trọng và cả hệ thống chính trị... Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới". Trong đó, Thủ tướng tập trung phân tích một số vấn đề trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết, với 5 nội dung chính: Các yếu tố nền tảng của chính sách xã hội; đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012; sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; những nội dung chính của Nghị quyết số 42-NQ/TW; những điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 42-NQ/TW.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới", đó là là chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; Đầu tư cho chính xã hội hội là đầu tư cho phát triển. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân.
Nghị quyết số 42-NQ/TW đặt mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, trong đó có đảm bảo 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện về vật chất, tinh thần; Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%; 60% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...
Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những điểm mới mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện: Một là vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chính sách xã hội; tăng cường truyền thông, quyết tâm xây dựng và thực hiện chính sách xã hội theo hướng bền vững. Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, đảm bảo đồng bộ thống nhất khả thi phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Ba là thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm hơn nữa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công; tiếp tục nâng cao mức chuẩn trợ cấp phụ cấp ưu đãi để có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe nhà ở, giáo dục đào tạo, việc làm, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về chính sách xã hội. Các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, cụ thể hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, sớm đưa nội dung Nghị quyết vào cuộc sống.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đồng chí Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã truyền đạt chuyên đề: "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".
Hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt và triển khai nội dung cốt lõi, điểm mới của các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, các Cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết bảo đảm thiết thực, hiệu quả./.