Tham dự hội nghị có lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ phụ trách các phòng: Kinh tế, tài Nguyên và Môi trường, Tài chính – Kế hoạch; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Khuyến Nông; Lãnh đạo UBND, công chức địa chính, văn phòng thống kê, cán bộ chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, đại diện các ban, ngành đoàn thể xã; Bí thư chi bộ, Trưởng các thôn, Giám đốc các HTX Dịch vụ nông nghiệp cùng hơn 200 hộ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, quy mô lớn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi , nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến trên địa bàn 4 xã Tiến Thịnh, Tự Lập, Chu Phan, Vạn Yên.
Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Tiêu chí 17 về môi trường , trong đó mục 17.7 quy định tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường đạt trên 80% mới hoàn thành tiêu chí về môi trường trong thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Chất thải hữu cơ: Là chất thải dễ phân hủy sinh học, có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật, phát sinh từ sinh hoạt, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ làng nghề và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn nông thôn. Chất thải hữu cơ có thể thu hồi, sử dụng trực tiếp cho các mục đích sử dụng khác mà không cần qua chế biến hoặc có sơ chế như cắt, nghiền… hoặc qua các công đoạn xử lý, tái chế thành các dạng sản phẩm khác, có giá trị sử dụng, hạn chế tác động, ảnh hưởng đến môi trường.
Phụ phẩm nông nghiệp (phụ phẩm trồng trọt): Là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cây trồng và sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác nông nghiệp. Phụ phẩm nông nghiệp có 2 dạng: Dạng vô cơ (vỏ bao gói, túi đựng, chai lọ, màng phủ, vật chắn, lưới chắn, giá cây) và dạng hữu cơ (rơm rạ, vỏ trái cây, phần thải loại từ hoạt động sơ chế, chế biến). Phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ hầu hết có nguồn gốc từ thực vật.
Tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp ( tái chế phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ): Là hoạt động có áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ có tính chất vật lý (cắt, nghiền, ủ, ép, đóng bánh…) hoặc hóa học ( hóa chất, chất phân hủy hữu cơ) hoặc sinh học (nấm men, nấm mố, côn trung, vi khuẩn, chế phẩm sinh học). Để thay đổi tính chất của chất thải hữu cơ thành các dạng dễ tiêu, dễ phân hủy, từ đó chế biến thành các sản phẩm có tính chất hàng hóa hoặc có thể sử dụng cho các mục đích khác như nhiên liệu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…
Sản phẩm thân thiện môi trường: Là sản phẩm mà quá trình sản xuất và tiêu thụ chúng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Tại hôi nghị các đại biểu đã được kỹ thuật viên Trịnh Bá Huy – Công ty cổ phần sinh thái Nông Việt giới thiệu hướng dẫn áp dụng những thành tựu, ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học công nghệ vào công tác sản xuất nông nghiệp nhằm tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu của một số ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làm phân bón hữu cơ tái bổ sung vào đất; kết quả thực hiện các ứng dụng công nghệ sinh học và khoa học công nghệ trong việc tái chế, tái sử dụng của các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, hoạt động tích cực trong việc sử dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Hướng dẫn quy trình ứng dụng cộng nghệ sinh học trong việc tái chế biến chất thải chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng thành nguyên liệu thân thiện môi trường, nguyên liệu hữu cơ để làm phân bón hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Hướng dẫn người dân sản xuất sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm…hợp lý, an toàn với cây trồng, vật nuôi góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí dần hình thành môi trường sinh thái bền vững, giảm hiệu ứng nhà kính.
Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi kỹ hơn về kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học dùng để xử lý đối với chất thải rắn, nước thải chăn nuôi…
Qua đây góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; khuyến khích phát triển các phương án ứng dụng công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải nông nghiệp, phế phụ phẩm nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; đảm bảo môi trường sống người dân khu vực nông thôn xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh.
Thay đổi thói quen, nhận thức và tư duy người sản xuất nhằm hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững góp sức vào công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và hướng tới kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Tăng hiệu quả kinh tế khi sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong công tác xây dựng xã, huyện nông thôn mới năm 2022, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025.