
Ông Tạ Xuân Hinh (Ngoài cùng bên phải) giới thiệu với lãnh đạo phòng Lao động – TB&XH huyện, lãnh đạo xã Tam Đồng về các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu
Năm 1974, ông Hinh viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Những năm tháng chiến đấu tại Tây Nguyên là quãng thời gian không thể quên trong cuộc đời và đó cũng chính là những năm tháng chất độc dioxin trong hóa chất diệt cỏ của quân đội Mỹ ngấm vào từng mạch máu, tế bào của ông và đồng đội.
Những đứa con lần lượt chào đời nhưng cũng lần lượt mang trên mình di chứng của cuộc chiến. Đứa đầu ra đi khi mới 2 tháng tuổi, 4 đứa sau thì 2 bị bệnh động kinh kèm chứng teo cơ bại liệt, 2 đứa trí não kém phát triển so với bạn bè cùng trang lứa.
Gian nan giữ nghề
Những ngày đầu rời quân ngũ, ông không khỏi chạnh lòng với gia cảnh của mình nhưng với nghị lực của một người lính không dễ khiến ông buông xuôi.
Sau thời gian công tác tại Công ty Thực phẩm Hà Nội và Công ty Thực phẩm Mê Linh, ông Hinh trở về với quyết tâm làm giàu cho gia đình và mảnh đất Nam Cường quê ông. Tham gia Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã rồi làm Chủ nhiệm hợp tác xã, đó là thời gian ông trăn trở tìm hướng đi mới cho nghề đan lát bồ cót truyền thống ở Nam Cường.
Đến năm 2002, được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân cũng là lúc ông khăn gói lên đường, từ Hà Nam đến Hưng Yên rồi về Chương Mỹ để tìm hiểu những bí quyết làm ăn của quê bạn. Suy nghĩ lựa chọn mãi cuối cùng ông quyết định chọn nghề mây tre đan.
"Ở làng cũng đã có nghề truyền thống là đan cót, đan bồ nhưng sản phẩm không đem lại lợi nhuận cao. Nghề mây tre đan có nhiều nét tương đồng với nghề truyền thống của làng nhưng sản phẩm làm ra để xuất khẩu, mang lại thu nhập cao hơn 7-8 lần so với đan cót, đan bồ", ông Hinh lý giải.
Để chuyển đổi nghề cũng rất vất vả vì bà con chưa quen, nên thời gian đầu phải lấy hội viên ở chi hội nông dân làm nòng cốt thử nghiệm để chứng minh hiệu quả cho bà con thấy. Ông Hinh cho biết: "Sau khi thu hút được nhiều người tham gia, tôi phải mời giáo viên từ Hà Nam lên dạy gần 6 tháng. Có sự hướng dẫn của giáo viên nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng đến 80%. Nhưng khi rời giáo viên ra mang sản phẩm về làm thì bị hỏng nhiều lắm. Mấy lô hàng xuất đi bị phía bạn trả lại khiến tôi lỗ hơn 70 triệu đồng. Đó là thời gian khó khăn nhất của tôi, nhiều khi chán nản định bỏ nghề. May sao ông giám đốc nơi nhận hàng cũng là một người lính và đưa ra những lời khuyên chân thành. Nhờ vậy tôi lấy lại được động lực để tiếp tục phát triển nghề mây tre đan tại làng. Hiểu được thái độ của mình, bà con cũng bắt đầu làm việc có trách nhiệm hơn, số người quyết tâm làm tuy ít đi nhưng chất lượng hàng chuyến sau đạt 96%."
Thành công nhờ sự kiên trì
Sự kiên trì, bền bỉ, ý chí kiên cường của người lính được tôi luyện trong thời chiến đã giúp ông Hinh vượt qua khó khăn ban đầu và hái về những trái ngọt. Sau thất bại của những chuyến hàng đầu tiên, ông đã rút kinh nghiệm, dần hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại thành công. Để mở rộng sản xuất và thuận lợi trong các khâu nhập nguyên liệu, xuất hàng... năm 2006, ông Hinh đã đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân Thịnh Vượng. Cùng với đó là việc nhân rộng mô hình trong xã cũng như hướng dẫn cho bạn bè đồng đội ở các xã Thạch Đà, Hoàng Kim và một số tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình.
Hiện nay, nghề đan lát đã giúp tạo việc làm cho hơn 400 lao động là người địa phương và một số trại giam của Bộ Công an. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp xuất đi 3.000 đến 10.000 sản phẩm, mang lại thu nhập khá cho các hộ. Thu nhập từ mây tre đan đạt từ 3-3.5 triệu đồng/người/tháng, có thể tranh thủ làm buổi tối hoặc lúc nông nhàn, những người già, người khuyết tật, sức khỏe yếu đều có thể làm. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp của ông đạt doanh thu 8-12 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 800 triệu – 1 tỷ đồng.
Ông Tạ Xuân Hinh chia sẻ: "Là một người lính từng tham gia kháng chiến, tôi cứ nghĩ nếu trong kháng chiến ác liệt như vậy, khổ cực như vậy mà tôi và đồng đội của chú còn vượt qua được thì hiện tại hòa bình và có điều kiện như bây giờ thì mình càng phải nỗ lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, và càng không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước."
Không chỉ giữ nghề truyền thống của làng, ông Hinh còn dạy nghề, truyền nghề miễn phí cho nhiều trường hợp thuộc diện chính sách, những trẻ em tàn tật không có khả năng làm việc nặng nhọc.

Chị Tạ Thị Toàn dù bị tật ở chân, tay nhưng vẫn thoăn thoắt làm nghề
Từ ngày đem nghề mây tre đan về làng, ông Hinh mừng vì thu nhập của gia đình và bà con ở địa phương được cải thiện; ông mừng hơn vì cô con gái bị tật nguyền Tạ Thị Toàn của ông trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, vui vẻ hơn, cô hay nói, hay cười bởi trong nhà luôn có người trò chuyện.
Tuy đôi tay không lành lặn, nhưng cô vẫn cố gắng học đan ngay từ ngày ông Hinh mời thầy về dạy lớp đầu tiên. Bây giờ, Toàn không chỉ là người khéo tay, lành nghề mà còn là một giáo viên nhiệt tình truyền nghề cho những người mới.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh – Chủ tịch UBND xã Tam Đồng đánh giá: Ông Tạ Xuân Hinh là một trong những gương cựu chiến binh, người có công nhiễm chất độc hóa học tiêu biểu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương. Luôn gương mẫu trong các phong trào chung của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời tích cực giúp đỡ đồng chí, đồng đội gặp hoạn nạn, khó khăn, được anh em đồng chí, đồng đội cũng như bà con nhân dân tin yêu, quý mến.
Dù mang thương tật trong người, nhưng điều đó không làm giảm được ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương của cựu chiến binh Tạ Xuân Hinh. Ông xứng đáng là một điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của người có công huyện Mê Linh./.