Người lưu truyền làn điệu chèo Xa Mạc

01/06/2023 | 21:33

Bước vào thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta hiện nay, song song với việc phát triển kinh tế thì việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là việc làm vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó thì cần phải có những người tâm huyết, đam mê với văn hóa truyền thống thì mới có thể thành công được. Trân quý biết bao nhiêu khi kể về ông Nguyễn Ngọc Lược - Khu 2, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội là một người như thế.

Hơn 40 năm qua, ông luôn nuôi dưỡng niềm đam mê mãnh liệt với việc sưu tầm, truyền bá và làm "sống" dậy làn điệu chèo Xa Mạc. Ông được người dân gọi với cái tên trừu mến: Người lưu truyền làn điệu chèo Xa Mạc.

Động lực nuôi dưỡng tình yêu chèo

Chèo Xa Mạc không biết có từ bao giờ. Các tài liệu cổ ghi chép cũng gần như không có. Người dân chỉ biết rằng làn điệu chèo được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Ông Nguyễn Ngọc Lược chia sẻ: "Gia đình có truyền thống hát Xa Mạc (ông nội là thầy dạy bát âm, bố từng biểu diễn chèo trong làng xóm) nên thủa nhỏ ông được ông bà, bố mẹ dạy cho những bài chèo cổ. Được sống trong bầu không khí "thấm đẫm" làn điệu chèo từ khi còn nhỏ, tình yêu chèo trong ông không biết có từ bao giờ.

Lớn lên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Lược hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hành trang theo ông vào chiến trường không chỉ là chiếc ba lô trên vai, cây súng trên tay mà ông còn mang theo những điệu chèo quê hương. Sau những buổi hành quân, chiến đấu, ông lại hát cho đồng đội nghe. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông Lược rời quân ngũ về làng. Lúc đó, ông nhận thấy làn điệu dân ca Xa Mạc không được phổ biến như trước. Nguyên nhân: người dân lo làm kinh tế, người cao tuổi đang giữ trong mình "kho báu chèo" dần "mất" đi. Trước tình hình đó, ông nhận thấy rõ nguy cơ mai một, thất truyền điệu chèo quê hương nếu không tìm cách bảo tồn, phát huy thì "hồn" quê cũng mất. Nỗi niềm đó cứ đau đáu trong ông. Thế là ông đã bước vào một hành trình trên con đường lưu truyền làn điệu chèo Xa Mạc.

Hành trình lưu giữ làn điệu chèo

Trong khi mọi người mải lo làm ăn thì việc ông bỏ công sức, thời gian tìm lại các bài hát dân ca cổ của làng được cho là lẩn thẩn. Việc sưu tầm lúc đó rất khó khăn bởi trước đó chưa có ai ghi chép lại cũng không có thiết bị ghi âm, quay phim như bây giờ. Thấy được tâm huyết của ông, mọi người cũng nhiệt tình, ra sức truyền dạy, tiêu biểu như cụ Diễm, cụ An, cụ Tùng…

Nhớ lại những ngày đầu, ông Lược bồi hồi kể tiếp: Khi xuất ngũ về làng, ông làm nghề sửa xe đạp. Một công đôi việc, khi có khách sửa xe hoặc đến quán chơi ông lại cùng mọi người đàm đạo về Chèo. Chính những buổi giao lưu như thế, niềm đam mê Chèo của ông cũng dần lan tỏa tới mọi người. Mặc dù kinh tế gia đình eo hẹp nhưng số tiền thu được từ nghề sửa xe của ông lại dành nhiều cho việc mua sắm đạo cụ, trang phục biểu diễn, tổ chức các buổi giao lưu. Kỷ niệm nhớ nhất là năm 1998, ông đã dành toàn bộ số tiền hơn 20 triệu tiết kiệm của gia đình để mua bộ loa đài phục vụ cho tập luyện Chèo. Hiểu được niềm đam mê của ông, gia đình cũng thông cảm và ủng hộ.

Ngày càng có nhiều người tham gia, ông đã thành lập Câu lạc bộ (CLB). Ban đầu, CLB có hơn 20 thành viên và gặp nhiều khó khăn khi nhiều người chưa biết hát mà chỉ tham gia vì yêu văn nghệ và ủng hộ ông. Ông Lược vừa là chủ nhiệm, vừa dạy hát, kiêm luôn cả dàn dựng, biên đạo. Việc dạy mọi người biết cách ngân nga, luyến láy theo đúng đặc trưng của chèo Xa Mạc cũng không dễ dàng. Ngoài dạy, các thành viên trong CLB, ông cũng mở 25 khóa học dạy hát miễn phí cho người yêu chèo. Mỗi khóa học từ 25-30 buổi với 8 -10 người theo học. Bên cạnh những người học có năng khiếu âm nhạc, tiếp thu bài nhanh thì cũng có người phải học 2-3 khóa liền mới hát được. Nhờ sự kiên trì của ông, đã có 167 người học có thể hát thành thạo. Tiêu biểu nhất trong số người học là em Nguyễn Văn Hà, ở xóm 1, thôn Xa Mạc, sinh năm 1987 được biên chế vào đoàn chèo Tổng cục Hậu cần,…

Không phụ công của ông, làn điệu chèo Xa Mạc đã có một sức sống mãnh liệt. Hiện nay, cả 4 xóm trong thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc đều có CLB hát chèo. Thôn Xa Mạc cũng có riêng 01 CLB duy trì thường xuyên góp phần với 32 thành viên. Hàng tuần, các câu lạc bộ chèo các xóm và thôn đều đặn sinh hoạt vào các buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu, có khi tập luyện cả thứ Bảy, Chủ nhật. Chèo đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, giữ gìn truyền thống văn hóa quê hương để xã Liên Mạc sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Picture 3
Picture 34

photo-1685629906923

Qua mấy chục năm sưu tầm, sáng tác, khối "tài sản chèo" của ông Lược có 115 bài chèo lời cổ và ông cũng đã soạn lời mới cho khoảng gần 100 bài ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước đổi mới. Chứng kiến "khối tài sản" đó tôi vô cùng vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục ông.

Việc lưu truyền làn điệu Chèo cổ Xa Mạc không chỉ dừng lại ở phạm vi thôn, xã mà chèo Xa Mạc còn được khán thính giả yêu chèo trên toàn quốc biết tới qua nhiều hình thức quảng bá đa dạng. Ông chia sẻ tiếp: Từ khi thành lập, CLB chèo Xa Mạc đã tham gia hàng trăm buổi biểu diễn, giao lưu với các CLB chèo trên toàn quốc. Khi ông nói tới đây, tôi cũng rất ngạc nhiên hỏi luôn: "Thế câu lạc bộ của bác lấy kinh phí đâu để tổ chức các chuyến đi như vậy?". Ông tươi cười nói: "Mình tự nguyện đóng góp kinh phí thôi! Mới hôm trước, chuyến đi giao lưu ở Hải Phòng, bác đã tự đóng góp 4 triệu. Là người chủ nhiệm, mình phải gương mẫu thì các thành viên khác theo. Nhiều lúc, bác phải vay "nóng" tiền để đóng góp. Còn những khi biểu diễn tại các hội diễn hay liên hoan nghệ thuật tại địa phương, tôi cũng hỗ trợ từ 1 triệu đến 2 triệu nhưng số tiền đó không nhiều cũng chỉ đủ phần nhỏ trang trải chi phí chuyến đi.

photo-1685629907428

Nghe ông nói tới đây, tôi ngồi tính nhẩm tổng số tiền mà mỗi thành viên tham gia người ít cũng tiền chục triệu. Còn riêng ông, tổng số tin cũng đến hàng trăm triệu trở lên.

Không dừng lại ở cách đó, ông Lược nhanh nhạy tận dụng những tiện ích công nghệ 4.0 đem lại. Hiện ông sở hữu 2 trang facebook: Lươc chèo và chèo lươc và 1 trang Zalo để giới thiệu làn điệu Chèo quê hương trên nền tảng mạng xã hội. Vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút ông tổ chức livestream hát chèo. Căn phòng nhỏ khoảng 12 m2 được trang bị như một phòng thu mi ni để quay phát trực tiếp trên Facebook. Đó là nơi ông lên sóng, giới thiệu đến công chúng xa gần xa làn điệu Chèo Xa Mạc. (Ông Lược hồ hởi khoe với tôi.) Ông Lược bảo: "Sự động viên từ người nghe ở khắp nơi đã đóng vai trò quan trọng giúp làn điệu Chèo Xa Mạc được tiếp nối, có sức sống lâu bền."

Để làn điệu chèo quê hương phát triển bài bản, ông đã cộng tác với nhà báo, soạn giả chèo nổi tiếng Mai Văn Lạng. Việc hợp tác giữa 2 con người yêu, đam mê chèo sẽ tạo thêm niềm tin về sự phát triển bền vững của làn điệu Chèo Xa Mạc. Dự kiến trong thời gian tới ông sẽ phối hợp tổ chức các buổi dạy hát chèo cho học sinh Trường Tiểu học Liên Mạc A - Ông Lược háo hức chia sẻ.

photo-1685629908083

photo-1685629908688

Giờ đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện thì giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của quê hương Mê Linh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, động viên, hỗ trợ, ... Đây là một nguồn cổ vũ động viên ông có niềm tin vững bước chắc trên con đường bảo tồn làn điệu Chèo Xa Mạc.

Những cống hiến được ghi nhận

Trong suốt hơn 40 năm qua, các bài chèo được biên đạo, sưu tầm, viết lời mới chính là sản phẩm nghệ thuật chứa đựng bao tâm huyết của ông. Minh chứng cho điều đó là các tiết mục biểu diễn chèo luôn dành được sự yêu thích của người xem, sự đánh giá cao của những chuyên gia nghiên cứu, nghệ thuật chèo.

Riêng đối với cá nhân, để ghi nhận những đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy những làn điệu chèo Xa Mạc, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc, ông Lược đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Picture 44
Picture 44
Picture 45
Picture 45

photo-1685629912390

Kết thúc buổi trò chuyện, tạm biệt người Nghệ nhân Ưu tú, trong lòng tôi càng khâm phục, ngưỡng mộ biết bao nhiêu. Những đóng góp của ông làm giàu thêm truyền thống văn hóa dân tộc, sẽ sống cùng với sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Đúng như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất." (Bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng)./.

Đỗ Văn Lý

Top