Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập xã Tự Lập lúc ban đầu gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Hội khuyến học xã Tự Lập được thành lập từ năm 2001, nhưng thực sự phong trào lúc đó còn rất mờ nhạt, hoạt động khuyến học, khuyến tài còn mang tính tự phát, lẻ tẻ, rời rạc, chưa định hình được chức năng, nhiệm vụ của Hội, chưa xác định rõ mục tiêu, quy chuẩn, thời gian hoạt động ra sao.
Ngày 13 tháng 4 năm 2007, Bộ chính trị đã ban hành chỉ thị Số 11-CT/TW "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" và kế hoạch Số 177-KH/UBND ngày 4 tháng 12 năm 2013 Của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về "xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 – 2020", đó là các văn bản hết sức quan trọng đã được các cấp Ủy đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận và các đoàn thể huyện Mê Linh triển khai sâu rộng xuống các xã, thôn trên địa bàn huyện một cách triệt để, sâu sắc.

( Ảnh : Hội nghị “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2023 )
Từ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập xã đã được Hội khuyến học huyện Mê Linh quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tỉ mỉ, thực chất và hiệu quả. Do đó, từ 10 năm trở lại đây phong trào đã khởi sắc, trưởng thành, trước hết là về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đến từng người dân. Không một người dân nào của xã là không hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng của việc học tập, không chỉ đối với trẻ em mà cả với người lớn. Đây chính là cái chìa khóa mở ra cho cuộc đời con người trở thành người có tài, có đức, sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập xã Tự Lập hiện nay được minh họa qua bức tranh sinh động đầy màu sắc dưới đây:
- Thứ nhất: mạng lưới tổ chức của Hội đã được kiện toàn trải đều rộng khắp toàn xã. Ban chấp hành hội khuyến học xã có 15 đồng chí, gồm 11 chi hội khuyến học ở hai thôn Phú Mỹ và Yên Bài, các chi hội khuyến học ở cụm dân cư, trường học, trạm y tế, trung tâm hành chính xã, chi hội khuyến học các nhà giáo thôn Phú Mỹ và 37 ban khuyến học dòng họ, chi tộc với tổng số 2.800 hội viên (chiếm 20% dân số của xã) cán bộ khuyến học là những người có nhiệt tình, tâm huyết trong công tác khuyến học.
- Thứ hai: quỹ khuyến học được xây dựng từ nhiều nguồn, chủ yếu là do các hội viên đóng góp tự nguyện, có nhiều loại quỹ đan xen, đa dạng phong phú như quỹ khuyến học cấp xã, trung bình một năm: 21 triệu đồng, các tổ chức đoàn thể: 13 triệu đồng, khối trường học: 103 triệu đồng. Quỹ dòng họ chi tộc: 112 triệu đồng, quỹ khuyến học các gia đình: 215 triệu đồng. Quỹ khuyến học được sử dụng đúng mục đích, chi khen thưởng cho các thầy, cô giáo dạy tốt, có công bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia, thành phố và huyện. Quỹ khuyến học tập trung chi thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện, học sinh thi đỗ được tuyển vào học tại các trường đại học, cao đẳng nghề, du học sinh tại nước ngoài, chi thưởng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học khá, giỏi, chăm ngoan.
Dẫn chứng tổng hợp (từ năm 2016 đến 2024) như sau:
+ Quỹ khuyến học HKH xã (năm 2016 đến 2021) thưởng cho 179 học sinh đạt 199 giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố, huyện là 12.700.000đ và 100 phần quà cho các bé 5 tuổi xuất sắc (trường Mầm non) là 4.000.000đ.
+ Từ năm 2020 đến 2024, Hội khuyến học xã đã chi thưởng cho 227 học sinh tiểu học, THCS đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, thành phố là 13.138.000đ
+Từ năm 2016 đến 2024 Chi thưởng cho các dòng họ, cộng đồng, đơn vị hoc tập, hộ gia đình 9.000.000đ
+ Quỹ khuyến học dòng họ: 1138 lượt học sinh: 187.000.000đ

( Ảnh : Hội nghị “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2023 )
- Thứ ba: thực hiện Quyết định Số 89 -QĐ/TTg ngày 9/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2010 - 2020 và 2023 -2030", được sự quan tâm hỗ trợ tài chính của Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh cũng như xã Tự Lập, Trung tâm học tập cộng đồng, Hội khuyến học đã năng động, sáng tạo, phối hợp liên kết với các ban ngành, đoàn thể trong xã bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tiến hành các trình tự, các bước theo hướng dẫn của Hội khuyến học huyện một cách nghiêm túc. Kết quả sau một thời gian vận động xây dựng phong trào học tập cộng đồng xã đã được đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân huyện đánh giá, xếp loại: tốt ( từ 86 điểm trở lên)
+Số hộ đạt danh hiệu "gia đình học tập" là 1988 hộ bằng 96.97% so với tổng số hộ đã đăng ký, bằng 82.83% so với tổng số hộ dân trong toàn xã.
+ Số dòng họ đạt danh hiệu "dòng họ học tập" 34/37 bằng 91,89 % tổng số dòng họ trong toàn xã.
+ Số cộng đồng đạt danh hiệu: "Cộng đồng học tập" là 2/2 bằng 100 % tổng số cộng đồng trong xã.
+ Số đơn vị đạt danh hiệu "Đơn vị học tập" là 6/6, 100% số đơn vị trong xã.
Hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng những năm gần đây cũng đạt kết quả tốt. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức được 13 lớp tập huấn chuyên đề, với 1400 lượt học viên. Gồm một số đề tài thiết thực như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bảo vệ trẻ em, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy. Bồi dưỡng kiến thức, áp dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Điển hình nhất là vụ chiêm xuân năm 2020 Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với Hội đồng quản trị 2 hợp tác xã mở lớp tập huấn đưa giống lúa JO2 về địa phương, đây là giống lúa lai từ Nhật Bản. Kết quả nông dân đã cấy được 27 ha lúa JO2 trên cánh đồng trong xã. Đến nay giống lúa JO2 đã là giống chủ đạo của nông dân trong xã, sản phẩm lúa gạo đã được mọi nhà ưa chuộng sử dụng, ngoài ra, còn được tiêu thụ trên thị trường với giá cao. Năm 2023, Hội đã phối hợp với Hội Nông dân và Hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lớp tập huấn cho nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học, sử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường nông thôn. Kết quả sau vụ xuân năm 2024, nhân dân đã sử dụng chế phẩm sinh học trên 70ha, đã góp phần giảm thiểu việc đốt rơm rạ tại đồng ruộng.
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập xã Tự Lập ngày nay đã trở thành nhu cầu hoạt động thường xuyên của mỗi cộng đồng, mỗi tổ chức, đoàn thể, dòng họ, mỗi gia đình, mỗi người dân Tự Lập. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của tập thể và cá nhân nhiệt tình, tâm huyết đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của xã, xin được dẫn chứng:
+Tập thể hội viên Chi hội Quỹ Tâm Sáng do anh Nguyễn Minh Tuấn thôn Yên Bài làm chi hội trưởng gồm 33 hội viên đã đóng góp tặng đồ dùng, sách vở cho học sinh nghèo của xã trị giá hơn 30 triệu đồng. Tặng 16 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá 26 triệu đồng.
+Hộ gia đình bà Hoàng Thị Nga xóm 1 trong nhiều năm đã có tấm lòng vàng ủng hộ tiền cho học sinh nghèo của xã trị giá khoảng trên 10 triệu đồng.
+Ban đại diện cha mẹ học sinh của 2 trường tiểu học Tự Lập A, B quyên góp vật chất, công sức xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường trị giá hơn 250 triệu đồng. Ban biên tập báo giáo dục điện tử Hà Nội tặng 33 xe đạp cho các em học sinh nghèo của trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong xã trị giá 66 triệu đồng.

( Ảnh: Chương trình trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo năm 2022)
Một số dòng họ điển hình xuất sắc trong phong trào như: Dòng họ Lê, dòng họ Trần, dòng họ Phạm, dòng họ Hoàng, dòng họ Lưu thôn Phú Mỹ. Dòng họ Vũ Văn, Vũ Duy, Vũ Công Huy, Vũ Song An, dòng họ Nguyễn Thôn Yên Bài, đã đạt được thành tích nổi bật trong việc huy động tài chính, chi thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập và rèn luyện, được nhân dân trong xã hết sức ca ngợi trong đó phải kể đến công đóng góp của nhiều cá nhân đã cống hiến trực tiếp cho phong trào như cụ Vũ Quang Vinh ông Vũ Tiến Việt ông Vũ Duy Phú, thầy giáo nghỉ hưu Nguyễn Văn Thạch, thầy Nguyễn Hoàng Da, ông Nguyễn Văn Nhân thôn Yên Bài. Ông Lê Quang Bình, ông Hoàng Công Thứ, ông Lưu Tuấn Đạt, Ông Phạm Văn Khắc ông Trần Duy Hiển (thôn Phú Mỹ), và còn rất nhiều tấm gương của tập thể và cá nhân khác đã góp phần thêu dệt lên bức tranh sinh động, nhiều màu sắc của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập xã Tự Lập, đem lại cảm xúc dạt dào cho người dân Tự Lập là rất đỗi tự hào.

(Ảnh: Lễ bế giảng năm học 2023 – 2024 trường Tiểu học Tự Lập A)
Năm 2023, xã Tự Lập được công nhận đạt Nông thôn mới nâng cao. Nhìn thấy quê hương Tự Lập hôm nay ngày càng thay ra đổi thịt, cuộc sống tươi đẹp, mạnh giàu, phồn vinh phải kể đến trong đó có công đóng góp một phần của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt 25 năm qua, kể từ ngày 16/11/1999 - ngày thành lập Hội Khuyến học huyện Mê Linh - Thành phố Hà Nội./.