Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm việc với các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm

19/07/2024 | 18:02

Sáng ngày 19/7/2024, tại trụ sở UBND huyện Mê Linh, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội đã làm việc với các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm về định hướng, hướng dẫn đề xuất kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025 và kiểm tra thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố; đồng chí Lê Văn Khương - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh; lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm...

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm việc với các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm- Ảnh 1.

Đ/c Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tám - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Thời gian qua, huyện Mê Linh quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Huyện đã triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào một số lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, quy hoạch xây dựng và quản lý hành chính nhà nước.

UBND Huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho 04 sản phẩm trên địa bàn gồm: Rau, củ quả Đông Cao, bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt; hoa đào Phù Trì, xã Kim Hoa; rau gia vị Tiến Thắng; đang tiếp tục phối hợp khảo sát, lập hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh đa nem và mỳ bún của xã Tiến Thịnh.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm việc với các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm- Ảnh 2.

Đ/c Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám báo cáo tại buổi làm việc.

Cùng với đó, Huyện cũng triển khai ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và phần mềm "một cửa điện tử" dùng chung 3 cấp; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100%. Sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý văn bản, quản lý đảng viên, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện ứng dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành. Đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt cho 87% trường hợp. Chỉ đạo 100% trường học triển khai học bạ số điện tử và chữ ký số cho cán bộ giáo viên, nhân viên; 5/18 Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT (Đài truyền thanh thông minh);...

Hiện nay, UBND Huyện đang triền khai thí điểm một số mô hình chuyển đổi số như: Triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa; nền tảng ứng dụng thực tế ảo tại các di tích trên địa bàn Huyện; ứng dụng thực tế ảo tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng; triển khai hạ tầng mạng không dây, internet miễn phí phục vụ người dân tại các thôn, tổ dân phố; chợ thông minh (Chợ Đầu Đê, xã Tiến Thịnh); khu phố thông minh (Phố Yên, xã Tiền Phong); thu viện phí, dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh;…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Do vậy, Huyện mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ phía Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố và các chuyên gia trong tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức về lĩnh vực khoa học và công nghệ; hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các khu công nghiệp, làng nghề,… Qua đó, giúp Huyện hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, các Huyện đã chủ động phối hợp các sở, ngành Thành phố triển khai các giải pháp thực hiện chỉ tiêu Chương trình số 07-CTr/TU, bước đầu có những chuyển biến tích cực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính, hướng tới chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm. Các Huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương;…

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm việc với các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm- Ảnh 3.

Đại biểu chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại buổi làm việc.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố; lãnh đạo các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm đã trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được, nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa học, công nghệ thời gian tới và các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương (liên quan đến khoa học và công nghệ); cơ chế quản lý và chính sách huy động, hỗ trợ nguồn lực đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; các hoạt động ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ; hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hoạt động về sở hữu trí tuệ,...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà đánh giá cao hoạt động khoa học, công nghệ, kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, các Huyện cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các nội dung Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy. Tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu công nghiệp. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; duy trì, phát triển, nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu trên địa bàn;...


Nguyễn Tuyền

Top